Hôm qua, Chính phủ đã lần lượt trình Quốc hội dự luật sửa đổi nhà ở và dự luật kinh doanh bất động sản, trong đó điểm đáng chú ý là các quy định mở rộng điều kiện được sở hữu nhà ở, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đối với kiều bào và người nước ngoài.
|
Tại các điều 155, điều 157 và điều 158 của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi quy định người VN định cư ở nước ngoài khi được phép về VN thì được sở hữu nhà ở như công dân ở trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà ở được sở hữu; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi Chính phủ, khi được phép vào VN làm việc thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), kể cả nhà ở trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết trong quá trình góp ý, thảo luận về nội dung trên, ngoài nhóm ý kiến tán thành hoàn toàn quy định của dự luật, nhóm ý kiến khác đề nghị “nên quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản (BĐS) và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”.
|
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ nói trên, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ “trong khi nhu cầu về nhà ở còn rất lớn cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở của người dân còn rất khó khăn thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài như trong dự thảo luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường BĐS trong nước?”.
Không phù hợp luật Đất đai 2013
Cũng liên quan đến các điều kiện để Việt kiều, người nước ngoài được sở hữu, kinh doanh nhà đất tại VN, trong dự luật Kinh doanh BĐS sửa đổi trình tại phiên họp chiều qua, Bộ trưởng Xây dựng cho hay một trong những điểm mới của luật này là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao. Đi liền với đó là giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo ông Dũng, đa số ý kiến khi góp ý đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, thậm chí một số ý kiến còn đề nghị cần mở rộng hơn nữa, cụ thể là đề nghị cho phép người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH cho biết một số quy định ở nội dung nói trên không phù hợp với luật Đất đai vừa được QH thông qua nửa năm trước. “Một số ý kiến cho rằng quy định cho phép người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án BĐS của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua là không phù hợp với luật Đất đai, vì luật này quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người VN định cư ở nước ngoài chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.
Cũng theo ông Giàu, luật Đất đai 2013 quy định chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, hoặc để bán kết hợp cho thuê, hoặc được cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê. Trong khi đó, có thể hiểu quy định của dự thảo luật Kinh doanh BĐS sửa đổi là tất cả tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh BĐS. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại quy định này để thống nhất với luật Đất đai.
Công khai để người dân giám sát Tiếp thu ý kiến của các ĐB tại kỳ họp trước, lần này dự thảo luật Đầu tư công được chỉnh lý khá đầy đủ và hoàn chỉnh với sự thống nhất cao cùng với nội dung mang tính đột phá trong đầu tư công. Điểm đổi mới quan trọng nhất của dự luật là việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Dự thảo luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được QH phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng có quy định nhằm tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi như một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Bởi thực tế hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Để ngăn chặn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng dự án luật cốt lõi tập trung giải quyết ba việc: công khai, minh bạch; tăng cường tính giám sát phản biện của người dân; cơ chế xử lý trách nhiệm khi dự án kém hiệu quả, đầu tư sai. Anh Vũ |
Bảo Cầm
Bình luận (0)