|
Quên rằng mình đang nói cho các tài tử trong phim, chú Hai Ngon văng tục:
- Cảnh sát, lính kín (chỉ mật thám) Tây cũng biết chửi thề chớ. Tụi nó chửi thề còn dữ hơn cảnh sát, lính kín Việt Nam nữa. “Tao không ngon gì ráo, nhưng tao là cảnh sát được lệnh đi bắt những thằng cao bồi, ăn cướp như mày. Nếu mày không giơ chân ủa giơ tay lên thì tao bắn thấy mẹ. Còn lâu à thằng lính kín. Dầu hèn cũng thể chớ mậy…”.
- Ủa, cao bồi mà cũng nói dầu hèn cũng thể nữa sao chú?
- Mầy ngoan cố hả. Nè, chéo, chéo… đùng đùng… A, tao xi-lắc-léo rồi…
Tụi nhỏ, kể cả thằng Minh khoái chí reo lên:
- Bắn chết tía thằng cao bồi du đãng đi.
- Thằng lính kín dở ẹc. Nói vậy làm sao nó nghe.
- Tại tuồng nó vậy mà.
Tụi nhỏ bắt đầu tranh cãi tại sao thằng cảnh sát lại nói với thằng cao bồi như vậy, đáng lẽ phải như thế này, thế này… theo đủ cách mà tụi nó có thể nghĩ ra được. Rồi sau đó là tới những phim
Tặc-dăng. Khi thấy Tặc-dăng để tay lên miệng, chú bèn hú vào cái micro:
- Ò…ó…ò…
Thằng Minh cắc cớ hỏi chú:
- Tại sao thằng Tặc-dăng lại hú ò…ó…ò…?
- Tại vì nó không biết nói.
- Hổng phải đâu chú ơi, chú để ý, con khỉ đu dây chụp trúng con chim của thằng Tặc-dăng, đau quá nên Tặc-dăng phải kêu a…a…a…
Khi chiếu phim Bạch Tuyết bảy chú lùn, chú “nói tuồng” vai Bạch Tuyết với cái giọng eo éo:
- Mấy chú lùn đi đốn củi giùm chị Tuyết đi, chị ở nhà quét dọn nhen. Nè, chú lùn thợ mộc nhớ sơn lại cái nhà ăn tết nha, nhưng nhớ đừng quét nhà trong mấy ngày tết xui lắm coi chừng con mẹ phù thủy đến là chết hết cả đám…
Thằng Minh thắc mắc:
- Trong chuyện cổ tích
Bạch Tuyết của người Tây làm gì có tết như người Việt Nam hở chú?
- Sao mầy biết nó hổng có tết. Mầy không nghe nói tết Tây sao? - Chú cãi lại.
- Ờ hé. Nhưng trong truyện Bạch Tuyết đâu có nói gì đến tết đâu chú. Chú chế tạo hả?
- Mầy… mầy biết cái gì, tao nói tuồng mệt thấy mẹ, còn bị mấy thằng như mầy bắt bẻ nữa, có ngon thì nói tuồng thay tao đi.
- Sức mấy mà sợ chú. Con là tổ sư bồ đề nói tuồng, chú nghe rụng rún luôn. Dầu hèn cũng thể chớ chú - Nó bắt chước câu nói cửa miệng của chú Hai Ngon.
Chú Hai Ngon cười khì khì:
- Mầy xạo ke hoài. Mầy ngon thì mầy lên nói đi. Mầy mà nói được, tao dẫn mầy đi ăn mì Chú Quẩy dưới cầu Bình Tây.
- Thiệt nhe chú. Người lớn không có nói dóc con nít…
Chú đưa micro cho thằng Minh. Không chút e dè, nó hỏi:
- Bây giờ chú chiếu tuồng gì?
Tụi nhóc nhao nhao:
- “Hiệp sĩ Dô Rô” bịt mặt đi chú Hai…
Làm theo lời bọn nhỏ, chú gắn phim vào trục quay rồi bật công tắc cho máy chạy. Thằng Minh vì nhỏ con nên ngồi chễm chệ trên yên chiếc xe Gô-ben, tay cầm micro, nhìn vào cái lỗ cửa sổ phía sau xe chỉ dành riêng chú Hai Ngon, bắt đầu “nói tuồng”:
- Tao rút gươm ra khỏi vỏ rồi đó mi có quy phục triều đình không? Hà hà, thằng kia mi không biết tao là ai hả? Tao là hiệp sĩ bặt mịt tức bịt mặt đây. Soạt. Hãy đưa kiếm ra, tên tiểu tử kia, nếu không lão tôn cho ngươi một thiết bảng, coi chừng ngươi sẽ về chầu diêm chúa nghe chưa kẻng… kẻng... kẻng.
Rồi chiếu đến phim cao bồi bắn súng:
- Thằng lính kín kia, đã lọt vào tay bọn cao bồi này thì mày sẽ chết ha ha…
- Tao đâu có sợ tụi bay. Nhất định tao thà làm quỷ nước nam chứ không làm vua đất bắc.
Tụi nhỏ đang xem phim phản đối:
- Ê, mày nói tuồng xạo rồi. Làm gì có ông Trần Bình Trọng trong tuồng Tây mậy?
- Thì sửa lại mấy hồi. Ta thà làm con ma cà rồng lính kín còn hơn làm trùm ăn cướp.
- Ừ, như vậy mới đúng đó.
Tụi con nít nghe thằng Minh nói tuồng khoái chí quá, cười rân. Không những nói tuồng cho các tài tử mà thằng Minh còn sáng tác ra tiếng đánh gươm kẻng, kẻng, tiếng bắn súng đùng, đùng… chéo chéo… trong phim nghe rất sống động. Bắt đầu từ ngày đó, nó được “phong chức” làm người nói tuồng thay cho chú Hai Ngon nên nó được xem phim cũ miễn phí. Bù lại, thằng Minh phải suy nghĩ làm sao để các tài tử trong phim cũ luôn luôn có những câu nói mới. Trong phim Bạch Tuyết bảy chú lùn, nó giả giọng làm Bạch Tuyết hát vọng cổ khi sắp chết: “Hoàng hậu nương nương ơi, tại sao hoàng hậu lại nỡ độc thủ không lưu… ờ tình”. Cái vụ này nó học được từ các phim Ấn Độ được chuyển âm tiếng Việt với giọng hát của đào thương Út Bạch Lan chiếu tại rạp Phi Long. Có khi nó bắt chước chương trình phụ diễn tân nhạc cải cách trước những buổi chiếu phim “Kính thưa quý vị khán giả, sau đây là đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết với bài “Ai đi qua cầu bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông, vô đây em, dù trời phia anh vẫn đưa em về… Khoan… khoan… hò… hò khoan…”. Rồi nó lại đem những chuyện xảy ra trong lớp học, trong xóm để nói tuồng. Lần khác, cũng là phim Bạch Tuyết bảy chú lùn nhưng khi sắp chết Bạch Tuyết không ca vọng cổ nữa mà lại nói: “Ta không thể sống được vì thằng Chim cứ đi đánh bầu cua cá cọp hoài”.
Lê Văn Nghĩa
>> Sài Gòn năm ấy - Kỳ 2: Phim câm có tiếng
>> Sài Gòn năm ấy: Chiếu bóng thùng
>> Hạnh phúc theo phong cách Sài Gòn
>> Cổ vật quý giữa Sài Gòn
>> Những ký ức Sài Gòn
Bình luận (0)