(TNO) Đại sứ Việt Nam tại Indonesia vừa có bài xã luận phản bác lại các luận điểm từ người đồng cấp Trung Quốc biện hộ cho một loạt động thái hung hăng phi pháp của Bắc Kinh trên biển Đông.
|
Giới quan sát và dư luận đã “giật mình” về những luận điểm sai sự thật trắng trợn trong bài báo do ông Lưu Hồng Dương, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia đứng tên tác giả, đăng ngày 20.5 trên ấn bản tiếng Anh của nhật báo Jakarta Post (Indonesia).
Bài báo “bê nguyên xi” những gì Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói trong buổi phỏng vấn cùng ngày của CNN về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam.
Trong bài xã luận cũng đăng trên tờ Jakarta Post ngày 28.5, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy khẳng định Việt Nam ngay từ đầu có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bài xã luận phản bác lập luận xuyên tạc cho rằng hai quần đảo nói trên là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” trong bài viết “Hành động nguy hiểm của Việt Nam” do nhà ngoại giao Lưu đưa ra trước đó.
"Các tài liệu lịch sử cho thấy Việt Nam đã có liên tục có các hoạt động hòa bình để duy trì chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ 17, khi những vùng lãnh thổ này còn được xem là vô chủ”, Đại sứ Thủy viết.
Ông cũng cho biết các vị vua Việt Nam đã củng cố chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ này “bằng việc xây dựng một ngôi chùa hồi năm 1835 và việc Vua Minh Mạng đã đặt một tượng đài bằng đá tại quần đảo Hoàng Sa”.
“Trong khi đó, Trung Quốc đã không hề thể hiện ý định muốn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, nhiều bản đồ cổ vẽ lãnh thổ Trung Quốc dưới thời nhà Thanh đã chỉ ra rằng đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc”, theo ông Thủy.
Đại sứ Việt Nam cũng đề cập đến việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một trong những tấm bản đồ nói trên nhân dịp ông này thăm Đức hồi tháng 3.
“Khi Pháp thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam vào năm 1884, nước này đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên danh nghĩa của Việt Nam”, ông Thủy nói rõ.
“Ngoài ra, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được Hội nghị Hòa bình San Francisco công nhận, với mục đích giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Đệ nhị Thế chiến”, Đại sứ Việt Nam viết, đồng thời nói thêm rằng đã có lãnh đạo của 51 tiểu bang Mỹ tham dự hội nghị này.
Ông Thủy cũng đưa ra một thông tin thú vị tại Hội nghị Hòa bình San Francisco, đó là đề xuất sửa đổi Hiệp ước Hòa bình San Francisco nhằm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo của Việt Nam đã bị 46 trên tổng số 51 thành viên tham dự hội nghị bác bỏ.
Được biết, trong bài viết của mình, ông Lưu cũng đã đề cập đến bức thư viết ngày 14.9.1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và xem đây như là thừa nhận công khai của Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.
Đại sứ Thủy khẳng định vị Đại biện sứ quán Trung Quốc tại Indonesia đã “cố tình trích sai bức thư”.
“Trong thư của cựu thủ tướng Đồng, ông đã không đề cập một chữ nào liên quan đến lãnh thổ Trung Quốc, hay quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Thủy viết.
“Ông chỉ lưu ý và ủng hộ tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc”, ông Thủy nói.
“Ngoài ra, việc cựu thủ tướng không đề cập đến những quần đảo này là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử: Những quần đảo này thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kể từ năm 1956”, đại sứ Thủy cho biết.
“Cũng là một nước tham gia Hội nghị Geneva, Trung Quốc chắc chắn phải nắm được thực tế rằng phạm vi địa lý của chính quyền Việt Nam đã bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, như được nêu trong Hiệp định Geneva về Việt Nam năm 1954 ”, ông Thủy nêu rõ.
Đại sứ cũng nói thêm các tuyên bố của Trung Quốc rằng không có tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa là “trái ngược với những gì lãnh đạo Trung Quốc đã công nhận”.
“Ví dụ hồi tháng 9.1975, Phó thủ tướng Trung Quốc thời bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã nói với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn rằng hai nước có bất đồng quan điểm về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn là vấn đề sẽ được giải quyết thông qua đàm phán. Phát biểu này đã được lưu lại trong biên bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 12.5.1988”, ông Thủy thuật lại.
“Tuy nhiên, có một điểm ông Lưu đã đúng khi cho rằng: "Chúng ta không nên chỉ nghe một phía của câu chuyện". Tôi ghi nhận điều này như một lời mời gọi độc giả hãy nghe câu chuyện từ phía chúng tôi”, đại sứ Thủy kết luận.
Cũng trong ngày 28.5, ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN về vấn đề biển Đông. Ông cường khẳng định: "Khi gặp vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn quốc gia, nhân dân Việt Nam sẽ quyết tâm để bảo vệ. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam".
Hoàng Uy
>> Vượt nguy hiểm, khó khăn quyết giữ biển Đông
>> Tổng thống Obama: Mỹ có thể động binh nếu biển Đông bất ổn
>> Thượng nghị sỹ Mỹ sẽ lên tiếng về Biển Đông tại Hội nghị Shangri-La
>> Vì sao Trung Quốc lo lắng khi Nhật sát cánh cùng Việt Nam, Philippines tại biển Đông?
Bình luận (0)