|
Trường công, trường tư đều nhận
Hầu hết các phòng giáo dục (GD) của TP.HCM đều có kế hoạch cho các trường mầm non nhận giữ trẻ trong dịp hè.
Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết Phòng khuyến khích các trường tổ chức nhận giữ trẻ theo kế hoạch của Sở từ ngày 16.6 để chia sẻ với phụ huynh. Trên cơ sở phụ huynh và giáo viên đăng ký, các trường sắp xếp lớp cho khoa học. “Tuy nhiên, một số trường do giáo viên không đăng ký vì phải đi học nâng cao trình độ hoặc có trường học sinh không đăng ký đủ số lượng tối thiểu để tổ chức lớp”, bà Phượng nói và cho biết với trường hợp này Phòng GD đồng ý cho các nhóm trẻ (có phép) nhận thêm học sinh. Thông thường, mỗi nhóm có khoảng 60 học sinh thì nay nhận thêm 10 trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó phòng GD Q.9, cho rằng 17 trường công lập sẽ bắt đầu chương trình vào ngày 16.6. Cùng thời gian trên, 18 trường công lập của Q.Thủ Đức cũng nhận và nuôi giữ trẻ cho đến ngày 15.8. Về mức thu học phí, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng GD Q.Thủ Đức, cho biết: “Các trường tự thỏa thuận với phụ huynh và cho phụ huynh tự nguyện đăng ký, ai có nhu cầu thì gửi trẻ”.
Còn ở Q.5, Trường mầm non Vàng Anh tổ chức cho phụ huynh đăng ký gửi trẻ theo 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 16 - 27.6, đợt 2 từ ngày 30.6 - 25.7, đợt 3 từ ngày 28.7 - 15.8. Mức phí phục vụ hè là 500.000 đồng (mẫu giáo) đến 550.000 đồng (nhà trẻ)/tháng và tiền ăn khoảng trên 30.000 đồng/ngày…
Chương trình hè của các trường tư kéo dài 13 tuần. Kết thúc năm học vào ngày 30.5 nhưng đến ngày 3.6 Trường mầm non Mèo Con (Q.7) đã bắt đầu nhận học sinh trở lại. Phụ huynh có thể đăng ký cho trẻ học theo từng tuần với mức học phí mỗi tuần là 1,3 triệu đồng (bao gồm tiền ăn). Còn Trường mầm non Thần Đồng Đất Việt nhận trẻ từ ngày 2.6 và kết thúc khóa hè vào ngày 28.8. Ngoài học sinh hiện đang theo học, trường sẽ nhận thêm 60 học sinh mới với học phí trọn gói theo từng lứa tuổi và dao động từ 1 - 1,3 triệu đồng/tuần.
Rèn kỹ năng là chính
Hè là khoảng thời gian trẻ được tự do vui chơi, lý tưởng hơn là được sống trong không khí quê nội hay quê ngoại để tận hưởng và cảm nhận sự vật, hiện tượng gắn liền với thiên nhiên. Những trẻ không có cơ hội để trải nghiệm và vẫn phải đến trường là một thiệt thòi. Vì vậy, bà Chung Bích Phượng nhấn mạnh: “Khi xây dựng chương trình, các trường lưu ý đến khía cạnh này để tạo không khí vui vẻ, có nhiều hoạt động vui chơi vừa rèn kỹ năng mà tạo sự phấn khích cho trẻ”.
Còn bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Mèo Con (Q.7), thông tin: “Trường xây dựng mỗi tháng một chuyên đề và gắn với đó là hoạt động dã ngoại thực tế”. Chẳng hạn, tháng 6 học sinh sẽ khám phá thế giới cát và nước, xem múa rối nước qua chủ đề “Em yêu biển”. Tháng 7 sẽ là “Em yêu thế giới động vật” với các hoạt động tìm hiểu động vật sống trong rừng, dưới nước, côn trùng, gia cầm… và tham quan Thảo cầm viên. “Em yêu thế giới thực vật” sẽ là chủ đề tháng 8, giúp học sinh làm quen với các loài hoa, trái cây… Sau đó học sinh sẽ thực hành chăm sóc vườn cây trong trường và tham gia hoạt động tương tác mua sắm tại khu vực tự chọn của siêu thị.
Ngoài ra, trẻ sẽ học các môn thể dục nhịp điệu, võ thuật, tiếng Anh… Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường mầm non đều khẳng định, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ từ vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến phòng dịch bệnh.
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt vào ngày cuối tuần để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc. Mỗi ngày thực hiện vệ sinh lớp học, môi trường, đồ dùng dạy học, đồ chơi, đồ dùng học sinh bán trú; khử khuẩn môi trường, lớp học ít nhất 1 lần/tuần nhằm đảm bảo trường học luôn sạch sẽ và an toàn.
Bích Thanh
>> TP.HCM: Ra hướng dẫn về việc giữ trẻ mầm non trong hè
>> Kiến nghị tăng mức đầu tư cho trẻ mầm non
>> Chiếm dụng tiền ăn của trẻ mầm non gửi... ngân hàng
>> Giáo viên phải có chứng chỉ B2 mới được dạy trẻ mầm non
>> Chương trình học bổng cho trẻ mầm non
Bình luận (0)