Đó là một trong những giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ổn định sản xuất, sau khi bị thiệt hại do những vụ gây rối vừa qua.
|
Giải pháp này được nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giữa đại diện các cơ quan nhà nước với cộng đồng FDI khu vực phía nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM ngày 30.5.
|
Đề xuất tăng visa cho chuyên gia
Theo đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN), Đài Loan, có 7 công ty Đài Loan bị thiệt hại nặng mà việc khôi phục nhà xưởng phải mất từ 6 - 12 tháng mới có thể hoàn thành. Bên cạnh đó, các DN đang thiếu hụt các quản lý lao động do một số quản lý người Đài Loan đã bỏ việc sau sự cố vừa qua. Hiện khó khăn lớn là các DN có nhà xưởng bị hư hại nặng nề vẫn chưa được bảo hiểm bồi thường. Đại diện của Hiệp hội DN Hồng Kông cũng cho rằng các công ty bảo hiểm cần phải giải quyết nhanh chóng quyền lợi cho những DN đã bị thiệt hại. “Khi các DN đã có đầy đủ chứng từ chứng minh thiệt hại thì các công ty bảo hiểm nên chi trả lập tức 50% số tiền bảo hiểm để DN có tài chính hồi phục sản xuất trong thời gian nhanh nhất”, đại diện Hiệp hội DN Hồng Kông nói.
Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN cho biết ước tính thiệt hại vật chất của 23 DN thành viên vừa qua chỉ khoảng 400 triệu đồng. Đây không phải là mức thiệt hại lớn, nhưng thiệt hại về chi phí cơ hội có thể lớn hơn nhiều, nhất là trong việc kêu gọi các DN Nhật sang VN đầu tư. Do đó, Hiệp hội DN Nhật kiến nghị VN cần có những giải pháp để phòng chống và ngăn ngừa các trường hợp kích động rây rối tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới. Điều đó sẽ tạo ra môi trường đầu tư ổn định, an toàn để thu hút vốn FDI vào VN.
Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại châu u (Eurocham) đề nghị nên đưa ra chương trình visa có thời hạn 12 tháng cho các chuyên gia nước ngoài đến VN làm việc (thay vì chỉ được cấp 6 tháng như hiện nay) với thủ tục cấp visa nhanh, gọn. Đây cũng là giải pháp để các DN FDI nhanh chóng bổ sung được đội ngũ cán bộ quản lý người nước ngoài có kinh nghiệm nhằm giúp khôi phục sản xuất trong thời gian nhanh nhất.
|
Thực hiện nhanh các giải pháp
|
Trao đổi với các DN FDI, đại tá Hồ Văn Mười, Phó cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (Bộ Công An), khẳng định Bộ đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành tập trung điều tra để khẩn trương đưa ra xét xử các đối tượng kích động gây rối; đồng thời tích cực thu hồi sớm nhất, nhanh nhất và nhiều nhất những tài sản bị mất cắp để trả lại cho các DN. Bên cạnh đó, lực lượng công an các tỉnh thành cũng phải lập kế hoạch phòng ngừa và nếu có bạo động xảy ra phải đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho tất cả DN FDI.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan ở các địa phương triển khai nhanh việc hướng dẫn các DN FDI thực hiện kê khai để được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế GTGT hàng nhập khẩu hay thông quan nhanh nguyên phục liệu phục vụ sản xuất… theo đúng nội dung Công văn số 3758 của Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại đã ban hành ngày 26.5. Đồng thời, Chính phủ cũng đã đồng ý giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các DN trong năm 2014. “Đối với các DN bị mất dữ liệu kế toán, các Cục Thuế địa phương sẽ hỗ trợ giúp DN phục hồi lại từ cơ sở những dữ liệu DN đã gửi cho Cục Thuế trước đó. Đồng thời, các địa phương cũng sẽ hỗ trợ DN kê khai đầy đủ trong việc miễn, giảm thuế để tránh trường hợp bị xử phạt sau đó nếu kê khai sai. Cục Quản lý bảo hiểm cũng sẽ đôn đốc, thúc đẩy các DN bảo hiểm thực hiện nhanh việc chi trả cho các DN có thiệt hại”, ông Phụng nói.
Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết các đơn vị có liên quan đã triển khai khá kỹ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ trong việc khắc phục khó khăn, giúp các DN nhanh chóng hồi phục sản xuất. “Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có bất cứ đơn vị nào còn gây khó khăn, các DN có thể phản ánh ngay với Ban quản lý các KCN-KCX hoặc UBND tỉnh để được hỗ trợ nhanh chóng”, ông Nam nhấn mạnh.
Bình Dương: Kêu gọi ngân hàng giảm lãi vay cho DN Ngày 30.5, UBND tỉnh Bình Dương họp đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu sau vụ gây rối do một số đối tượng quá khích gây ra. Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết ngoài các nguyên phụ liệu, hàng hóa, công an các địa phương đã thu hồi được 217 CPU máy tính để bàn, 5 laptop để trả lại DN. Theo Ban quản lý các KCN Bình Dương, đến nay đã có 97% DN khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất trở lại. Chỉ còn khoảng 13 DN đang ngừng hoạt động để cơ quan chức năng thẩm định mức độ thiệt hại và dự kiến sản xuất trở lại vào đầu tháng 7.2014. Đã có trên 500 DN nộp bản tự kê khai, ước tính thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết hiện nay các DN xuất khẩu với một lượng hàng hóa khá dồi dào, thậm chí còn tăng hơn so với trước đây. Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN VN chi nhánh Bình Dương, cho biết khoảng 390 DN có quan hệ với các ngân hàng, trong đó có 160 DN vay vốn. Các DN này đều đã có văn bản kiến nghị được giãn nợ và chưa có DN nào đề nghị được khoanh nợ. Hiện NHNN chi nhánh Bình Dương đang đề nghị và mong muốn các ngân hàng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng vay vốn với lãi suất ưu đãi, cụ thể là giảm lãi suất khung từ 1-2%; hỗ trợ các DN bằng hiện vật như máy tính, máy in, két sắt... Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh dốc toàn lực để hỗ trợ các DN, miễn toàn bộ các loại phí như an ninh quốc phòng; phí cấp, đổi giấy phép lao động cho các chuyên gia... Đỗ Trường |
Đồng Nai: Công nhân đi làm nhưng không nhận lương Ngày 28.5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch kêu gọi công nhân (CN) thể hiện bằng các hành động cụ thể như đóng góp 2 - 3 ngày lương; làm bù, tăng ca; xây dựng lực lượng cùng DN bảo vệ an ninh trật tự trong KCN... Sau hai ngày triển khai, hầu hết CN ở Đồng Nai đều nhiệt tình hưởng ứng. Tại Công ty TNHH bao bì Việt Long (100% vốn Đài Loan, KCN Nhơn Trạch 3), do ảnh hưởng của vụ gây rối vừa qua công ty phải cho CN nghỉ 4 ngày và thông báo vẫn trả lương đầy đủ. Tuy nhiên, toàn thể CN đã đồng lòng không nhận lương 2 ngày để ủng hộ DN. Ngoài việc từ chối nhận lương những ngày nghỉ và đi làm không công, nhiều CN ở Đồng Nai còn linh động đề ra những giải pháp khác ủng hộ DN. Chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Công ty Splendour (100% vốn Đài Loan, KCN Nhơn Trạch 1), chia sẻ: “Sau khi nhận được lời kêu gọi của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã mời quản lý ở các tổ, phân xưởng họp cùng CN đi đến thống nhất, lấy những ngày phép năm bù vào những ngày không đi làm. Ngoài ra chúng tôi còn đồng lòng làm tăng ca để nhanh chóng làm xong những đơn hàng bị chậm trễ”. Lê Lâm |
Mai Phương
Bình luận (0)