Cổ thụ chết oan vì dự án

02/06/2014 09:00 GMT+7

Hơn hai mươi cây xà cừ cổ thụ ở đường Láng (Hà Nội) đã bị cưa sát gốc để giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt trên cao, trong khi có thể di dời hàng cây này.

 
Những gốc cây lớn của hàng xà cừ cổ thụ đã bị chặt - Ảnh: Ngọc Thắng

Đường Láng những ngày đầu hè dường như bị chia thành hai khúc rõ rệt. Một trơ ra dưới nắng với những gốc cây màu xà cừ nâu sẫm đường kính cả mét bị cưa, mùi hăng của nhựa còn phảng phất. Một vẫn xanh mát với những cây xà cừ còn lại tỏa bóng râm. “Chỉ rè rè một chút là xong. Chúng tôi xót như người nhà bị mất”, một người dân trên đường Láng nói. Ông đã sống ở đây nhiều năm, con cái của ông cũng đã lớn lên, đùa vui dưới những tán cây này hàng chục năm rồi. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết những cây trên bị chặt hạ nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

“Thực ra đâu chỉ đường Láng bị cưa cắt cây”, TS Vũ Thế Long, Giám đốc Trung tâm phát triển các chương trình xã hội, nói. “Cây ở đường Nguyễn Trãi cũng bị cưa để làm bến xe. Thường thì khi có làm bến, làm đường, cây phải cưa đi thôi. Trừ khi ngay từ đầu người ta chừa nó ra như cây di sản”.

Nên trồng chỗ khác

Việc chừa cây ra khi làm đường từng được áp dụng nhiều. Tại một số con đường, để cứu hàng cây, người ta có thể biến ngay hàng cây đó thành một phần của dải phân cách. Bản thân những cây xà cừ tại đường Láng cũng nằm trên một dải phân cách như vậy. Tuy nhiên, do cản đường trên cao, nó đã bị chặt hạ lần này.

Trên thực tế hàng cây xà cừ này dù rất lâu năm cũng chưa được công nhận là cây di sản. Vì thế việc “cong mềm mại” để tránh hàng cây là điều không bắt buộc. Song, việc cưa cả hàng chục cây cổ thụ như vậy không thể coi là một ứng xử thân thiện với môi trường của một thành phố hòa bình như Hà Nội.

 

Quan niệm trồng cây của Hà Nội hiện rất bảo thủ, lạc hậu. Chẳng hạn người Pháp có nghiên cứu trồng cây cho thủ đô rất có hệ thống. Rồi dần dần, Hà Nội tự dưng đào lên trồng những cây mới chả liên quan. Chưa kể nhiều yếu tố không đồng bộ. Người trồng cứ trồng, người xây cứ xây, cứ chặt rồi lại trồng lại

TS Vũ Thế Long

“Hiện nay, các nhà nghiên cứu phát triển đều thống nhất quan điểm về phát triển và cây xanh” - một nhà nghiên cứu đô thị nói - “Nhận thức trên thế giới về cây xanh đã rất tốt. Theo đó, họ coi những yếu tố thuộc về tự nhiên là những thứ có giá trị. Cây xanh là thứ người ta không thể khiến nó một ngày mà mọc lớn được. Chính vì vậy, cả cây xanh, cây xanh mặt nước cần được bảo vệ”.

Nhà nghiên cứu đô thị ấy cũng cho biết sẽ luôn có tình huống bảo vệ cây mâu thuẫn với phát triển. Khi đó bài toán là phải cân nhắc sao cho hài hòa. Cách đơn giản nhất là phải bứng cây xanh, cây xanh mặt nước đó đi chỗ khác. Cũng có thể theo cách lấy đi một diện tích cây xanh thì bù một cái vườn treo. “Tóm lại là trong trường hợp giữ cây xanh ở đó bất khả thi thì phải có cơ chế hạn chế tối đa thiệt hại hoặc có cơ chế đền bù. Đền bù không phải là đền bù tiền. Mà có nghĩa là nếu lấy mất mặt nước này thì phải đền bù một mặt nước khác”, nhà nghiên cứu cho biết.

Chính vì thế, với vụ việc cụ thể ở đường Láng, nhà nghiên cứu trên cho rằng cần phải chuyển hàng cây tới nơi khác. Chẳng hạn, hiện Hà Nội có nhiều công viên mới thưa thớt cây, có thể chuyển cây tới đó. Cưa ngay lập tức những cây đường kính lớn như vậy, có bóng mát như vậy là chuyện khó chấp nhận. “Bứng đi là một giải pháp, trong trường hợp này đã quá dễ dàng, dễ hiểu. Cây công cộng thì phải bứng đi về chỗ công cộng”, ông nói.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2013, H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã bứng toàn bộ 40 cây cổ thụ ven quốc lộ 8A ra nơi mới, để bảo đảm đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cải tạo đoạn đường này. Những cây xà cừ ấy vốn được người dân trồng theo lời phát động trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng đã có độ tuổi gần trăm năm.

Quy hoạch cây lộn xộn

Hà Nội chắc chắn không thể không có những không gian xanh. Bản thân luật Thủ đô cũng thể hiện rất rõ điều này trong điều 10 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị. Theo đó, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải tạo lập không gian xanh của thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng. Việc chặt hạ cây - nguồn giá trị xanh - mau chóng như vậy khiến công chúng nghi ngờ sự thực hiện quy định này.

Chưa kể, theo một chuyên gia đô thị, trong tất cả các dự án phát triển đều có khâu đánh giá tác động môi trường. Việc dự án ảnh hưởng tới cây xanh ra sao chắc chắn phải được liệt kê trong đánh giá tác động môi trường ấy. Phải có biện pháp thì dự án đó mới được phê duyệt. “Thì ở đây rõ ràng dự án này đã vi phạm môi trường, nhưng giải pháp thì chưa thấy. Nó nảy ra cái ý nghĩa là chúng ta đánh giá tác động môi trường một cách rất hình thức, không có thực chất”, chuyên gia phân tích.

TS Vũ Thế Long cũng bức xúc về quy hoạch cây tại Hà Nội. “Quan niệm trồng cây của Hà Nội hiện rất bảo thủ, lạc hậu. Chẳng hạn người Pháp có nghiên cứu trồng cây cho thủ đô rất có hệ thống. Như cây sấu ở đường Trần Hưng Đạo cả dãy dài. Phố Lý Thường Kiệt có hàng cây cơm nguội, cây phượng. Rồi dần dần, Hà Nội tự dưng đào lên trồng những cây mới chả liên quan. Chưa kể nhiều yếu tố không đồng bộ. Người trồng cứ trồng, người xây cứ xây, cứ chặt rồi lại trồng lại”, ông Long nói.

Trinh Nguyễn

>> Siêu bão Hải Yến làm nhiều cây cổ thụ của Hà Nội bật gốc
>> Đổ cây cổ thụ trong khuôn viên Tỉnh ủy Đắk Lắk
>> Thêm 13 cây cổ thụ ở Thanh Hóa thành di sản
>> Năm cây cổ thụ được công nhận cây di sản
>> Trời đứng gió, cây cổ thụ bật gốc
>> Cây cổ thụ bật gốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.