|
Ca sĩ Cindy Thái Tài đã có những chia sẻ trong diễn đàn Chúng em cần có chứng minh nhân dân (CMND), diễn ra vào ngày 3.6 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Tại diễn đàn trên, nhiều thanh thiếu niên đường phố, trong đó có cả những bạn trẻ đồng tính, song tính và chuyển giới đã bày tỏ tâm tư về những thiệt thòi và hệ lụy khi bản thân không có giấy tờ tùy thân, đặc biệt là khi không có CMND gây khó khăn khi thuê nhà, xin việc làm, hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế, học hành.…
Sau khi lắng nghe những nỗi niềm trên, ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài nói: “Bây giờ các bạn tự do hơn Cindy hồi đó rất nhiều. Cindy nhìn thấy trong hội trường này, có bạn nam lôi son ra tô và nhiều bạn nữ ăn mặc như nam giới, nhưng không ai cấm các bạn làm những điều đó. Trải qua hơn 20 năm, Cindy thấy hiện nay xã hội đã đơn giản hóa và tạo điều kiện hơn cho các bạn”.
Thái Tài kể: “Trước đây, tụi mình vô cùng khổ sở khi thể hiện giới tính, tâm sinh lý của mình như mong muốn bên trong. Bởi vì, điều mình nhận lại là những lời chửi mắng, đánh đập. Không phải gia đình ghét Cindy Thái Tài mà là muốn mình giống như bao nhiêu người khác. Đi ra ngoài, Cindy hay bị người ta gọi là pê đê, bóng lẹo cái. Mình sống rất cô đơn. Bạn bè đồng giới không dám đứng gần nhau. Tụi mình chỉ dám đi với nhóm vào ban đêm, nhưng khi có người khác là tự động dạt ra, làm như không quen biết nhau vậy… Những lý do đó khiến Cindy phải đấu tranh để được là chính mình”.
Đề cập đến việc làm CMND của bản thân, ca sĩ Thái Tài cho rằng, khi có CMND sẽ có được các quyền nhân thân.
Giải đáp câu hỏi của một sinh viên: “Chị đã thể hiện ra là một người nữ, nhưng trên CMND của chị đến bây giờ là nam hay nữ?”, Cindy Thái Tài cởi mở: “Đến giờ phút này, trên giấy tờ Cindy vẫn là nam. Nhưng ở đây, các bạn đã công nhận Cindy là nữ và quan trọng nhất là Cindy cảm thấy mình là nữ, như vậy là đủ rồi”.
Diễn đàn “Chúng em cần có chứng minh nhân dân” do Khoa Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam thực hiện. Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ dự án “Quản trị quyền trẻ em để phòng ngừa phân biệt đối xử và thực thi quyền trẻ em tại Việt Nam”, do chính phủ Na Uy tài trợ và được thực hiện trong 2 năm (2014-2016). |
Như Lịch
>> Video clip: Người chuyển giới nhọc nhằn mưu sinh
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 3: Ma trận rào cản làm sao phá bỏ?
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 2: Bấp bênh tìm việc mưu sinh
>> Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 1: Ngậm đắng nuốt cay để 'lộ diện
Bình luận (0)