Ngày thứ hai thi tốt nghiệp THPT: Đề nhẹ nhàng

04/06/2014 02:25 GMT+7

Với những thí sinh không chọn thi môn ngoại ngữ hoặc sinh học thì ngày thi hôm qua (3.6) xem như đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hầu hết các thí sinh đều nhận định 3 môn thi trong ngày hôm qua khá dễ, dư sức đạt điểm trung bình.

>> Ngày đầu thi tốt nghiệp THPT: Nóng bỏng chuyện thời sự
* Đón đọc bài giải gợi ý các môn toán, hóa học, địa lý trên số báo ngày mai (4.6) 
* Thanh Niên Online  Thanh Niên Mobile cập nhật liên tục

 Ngày thứ hai thi tốt nghiệp THPT: Đề nhẹ nhàng 1
Cả 3 đề thi trong ngày thi hôm qua giúp thí sinh lạc quan với kết quả thi tốt nghiệp năm nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học trung bình cũng có thể lấy điểm trên trung bình

Phần lớn thí sinh (TS) tại TP.HCM nhận xét đề thi toán vừa sức, có phần khá dễ đối với học sinh khá giỏi. Các TS tại Hội đồng thi Trường THCS Lý Phong (Q.5) chủ yếu là học sinh của Trường PT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết thời gian làm bài chỉ hết khoảng 60 phút. TS Bùi Mai Tùng, Trường THPT Hùng Vương (Q.5) cũng cho biết: “Đề thi khá dễ, chỉ có ý 2 của câu 2 yêu cầu tìm giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất và câu hình học không gian là phức tạp một chút. Nếu TS có học lực trung bình vẫn đạt 5 điểm”.

Nhiều TS của Đà Nẵng tỏ ra vui mừng vì đề thi toán dễ. “Dù đề khá dài trong phần trình bày, nhưng hầu hết các bạn đều làm bài tốt, học sinh khá cũng có thể kiểm được điểm trên 8. Các bạn trung bình cũng có thể kiếm điểm trên trung bình rất dễ dàng” - Duy Phước, TS thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú cho hay.

So sánh với đề thi toán năm trước, các giáo viên Trần Quang Hiển, Hà Văn Chương, Ngô Thanh Sơn của Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, cho hay: “Đề khó hơn năm trước nhưng hay và vẫn bám sát chương trình 12. Cụ thể, câu 1.1, tất cả học sinh trung bình đều có thể làm được. Câu 1.2 có khó hơn mọi năm ở chỗ học sinh phải đi tìm giao điểm trước khi viết phương trình tiếp tuyến. Nói chung, đề có tính phân hóa cao, học sinh trung bình chỉ đạt 5, học sinh khá có thể đạt được 6- 7, học sinh giỏi mới có thể đạt 9-10. Điều bất ngờ năm nay là không có câu số phức, làm mất cơ hội lấy điểm cho các em học sinh trung bình. Với số lượng câu hỏi ít hơn mọi năm nên học sinh có cảm giác nhẹ nhàng hơn và giám khảo cũng sẽ thấy việc chấm thi dễ hơn”.

Giáo viên nói khó, học sinh bảo dễ !

Theo cô Trần Thị Thu Thủy, Tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM, xét trên bình diện thi tốt nghiệp THPT, so với những năm trước, đề hóa năm nay hơi khó hơn các năm trước. Lý thuyết dàn trải chương trình, đòi hỏi học kỹ bài. Dàn bài không có phần tự chọn, đề ra đúng 40 câu hỏi. Đặc biệt, 8 câu tính toán những năm trước rất dễ, học sinh chỉ cần liếc mắt ra ngay đáp số thì năm nay khó hơn, cần có kỹ năng tính toán hơn. Những câu như câu 19, 29, mã đề 835, tính toán hơi khó, đòi hỏi phải học lực giỏi mới làm được.

Trong khi đó hầu hết TS tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) đều cho biết đề thi khá dễ, tương đương với đề kiểm tra học kỳ 2 vừa qua. TS thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (Q.1) rất phấn khởi vì đề thi khá dễ. Theo Hoàng Hiệp, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trưng Vương, đề thi môn hóa đều nằm trong chương trình cơ bản, chủ yếu để khảo sát xem học sinh có hiểu bài và chú ý nghe thầy, cô giảng bài hay không. Đề thi chủ yếu là phần lý thuyết và cũng là kiến thức cơ bản, không lắt léo. Cũng theo Hiệp, thi trong 60 phút nhưng đa số trong phòng thi của Hiệp, chỉ khoảng 40 phút là học sinh đã làm xong bài. Bạn bè của Hiệp thi ở phòng thi khác cũng đều cho biết làm được đề thi này.

Có sự khác biệt nhận định về đề thi môn hóa là do năm nay TS thi tốt nghiệp môn này phần lớn là những học sinh có khuynh hướng thi ĐH khối A hoặc B. Khác với các năm trước, học sinh bắt buộc thi nên với các TS chủ động chọn thi môn hóa, năm nay đề thi dễ. Vì thế mới có trường hợp TS ở Đà Nẵng thi ĐH khối D nhưng lại chọn thi môn hóa ở kỳ thi tốt nghiệp cho rằng chỉ kiếm 3, 4 điểm là tốt rồi. 

Nhẹ nhõm với môn địa lý

Bước ra khỏi Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cả 8 TS dự thi môn địa lý của trường này đều tỏ ra phấn khởi khi hoàn thành tốt trên 90% bài thi. Gia Bảo (lớp 12A15) hào hứng: “Đề dễ, khá nhẹ nhàng. Các câu hỏi đều tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình học lớp 12, nhưng khi trả lời phải kết hợp kiến thức trong nhiều bài học khác nhau”. Vân Thủy (lớp 12A11) cho biết câu hỏi đặc biệt nhất của đề thi là phần 1 trong câu II khi yêu cầu TS vận dụng kiến thức từ sách giáo khoa với đời sống thực tế. “Việc bảo vệ chủ quyền hòn đảo dù nhỏ nhất cũng rất quan trọng bởi chính là bảo vệ chủ quyền vùng biển và vùng thềm lục địa quốc gia”, Vân Thủy chia sẻ về câu trả lời của mình.

Nhiều TS của cả hệ GDTX và THPT nhận định đề thi môn địa quá dễ, hoàn toàn có thể đạt điểm từ 7, 8 trở lên. TS Duy Phú (hệ THPT) cho biết: “Em làm xong bài chưa đến phân nửa thời gian. Em thấy đề năm nay dễ hơn năm trước. Nếu dựa vào atlat địa lý, học sinh hoàn toàn có thể làm được 60%. Đồng thời, trong đề bài cũng có 2 câu liên quan đến biển đảo, tụi em cũng đã ôn rất kỹ và có thể dự đoán được trước đó”. Tương tự, nhiều TS hệ GDTX thi tại Hội đồng thi Trường THCS Ba Đình (Q.5) đều nhận định đề địa dễ, trong đó cũng có 2 câu hỏi nhỏ liên quan đến biển đảo. Nhiều TS cho biết, mình đã tập trung ôn kiến thức rất nhiều ở phần biển đảo trong khoảng hơn một tháng qua.

Đặt câu hỏi có ý nghĩa

Cấu trúc đề thi địa lý năm nay đã được đổi mới. Dễ nhận thấy là đề thi không còn chia ra các “phần” như trước, và cũng không nhất thiết phải kiểm tra đồng thời cả phần địa lý tự nhiên và địa lý dân cư.

 Ngày thứ hai thi tốt nghiệp THPT: Đề nhẹ nhàng 2
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) chuẩn bị vào phòng thi môn địa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Đặc biệt phần riêng (2 điểm) TS chỉ được làm một trong hai câu hoặc theo chương trình chuẩn hoặc theo chương trình nâng cao như các năm qua đã bộc lộ sự không phù hợp thậm chí nếu TS không để ý có thể còn bị mất điểm. Không ít trường hợp TS bởi thuộc quá mà làm cả 2 câu 4a và 4b. Theo quy định, nếu làm cả 2 câu như vậy thì sẽ không được chấm điểm. Các lỗi ngớ ngẩn đó không còn lặp lại trong năm nay.

Không chia ra các “phần” nhưng qua các câu hỏi có thể thấy nội dung đề cập đến trong đề địa lý năm nay khá bao quát chương trình và chú trọng đến các vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm.

 

Học sinh sẽ nghĩ khác về môn xã hội

Đề thi môn địa năm nay mang tính vận dụng nhiều. Đồng thời, nếu đọc hiểu tốt atlat địa lý Việt Nam, TS hoàn toàn có thể đạt điểm trên trung bình.

Câu hỏi đầu tiên của đề rơi vào bài 2 của chương trình SGK địa lý lớp 12. Giáo viên thường dạy rất kỹ ở phần này, nên yêu cầu đề không quá khó đối với TS. Ở câu II, ý đầu yêu cầu học sinh phải nắm bắt, vận dụng vấn đề thời sự để từ đó nói đến lòng yêu nước, phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta.

Nhìn chung, đề không ra theo hướng học vẹt mà đòi hỏi học sinh vận dụng nhiều đến kiến thức thực tế, tư duy, suy luận. Đây là dạng đề hay, học sinh cảm thấy giải quyết được theo cảm thụ và kiến thức bản thân. Từ đó có thể giúp học sinh có cái nhìn khác về các môn xã hội, không phải cứ học vẹt, học thuộc bài để đi thi mà cần trang bị thêm các kiến thức xã hội.

Huỳnh Thủy Thùy Lan
(Tổ trưởng bộ môn địa, Trường THCS-THPT Hồng Hà,TP.HCM)

Minh Luân (ghi)

Ví dụ như các vấn đề sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải với tầm quan trọng của quốc lộ 1 được đề cập trong đề thi.

Đặc biệt nổi bật trong đề thi địa lý năm nay là tính thời sự cao.

Với vai trò quan trọng chiến lược của biển Đông và đặc biệt với việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, các giáo viên có kinh nghiệm dự báo chắc chắn vấn đề biển đảo sẽ có trong đề thi tốt nghiệp năm nay. Không ngoài dự đoán, trong 4 câu hỏi của đề thì vấn đề biển Đông được đề cập ở 2 câu hỏi. Đây là điều cần thiết bởi xét cho cùng thì mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người.

Phạm vi lãnh thổ đất nước gồm vùng đất, vùng biển, vùng trời. Vùng biển chúng ta được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hiểu chắc chắn các bộ phận lãnh thổ như vậy là cơ sở cho việc hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên biển Đông. Vùng biển chúng ta không chỉ được quan tâm vì được xác định quyền lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo luật Biển quốc tế. Biển Đông còn là tương lai của dân tộc Việt Nam. Biển không chỉ có vị trí địa chính trị quan trọng, mà còn là nơi đã và đang cho chúng ta những lợi ích kinh tế to lớn. Đề cập đến tài nguyên biển trong đó có tài nguyên khoáng sản và hải sản sẽ cho các thế hệ học sinh nhận thức rõ hơn, cụ thể ý nghĩa của biển Đông với đất nước.

Câu hỏi “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?” là một câu hỏi không mới, song được nhắc đến trong đề thi địa lý năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tình gây hấn trên biển Đông, cố tình thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông có một ý nghĩa lớn. Nó cho học sinh và mọi người Việt Nam hiểu sâu sắc rằng mỗi hòn đảo của chúng ta dù nhỏ nhưng cũng là một căn cứ tiền tiêu để bảo vệ đất liền, là một căn cứ để chúng ta tiến ra biển trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa, là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa trên biển Đông.

Mỗi hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta cũng là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước mà không một thế lực nào có thể chia cắt, và chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng ấy. Mỗi hòn đảo nhỏ trên biển Đông đã được ông cha ta khai thác, và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa sẽ mãi mãi là của Việt Nam.

Vũ Quốc Lịch
(Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) 

Thanh Niên

>> Đón xem gợi ý giải và nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT 2014
>> Thi tốt nghiệp THPT 2014: Hơn 900.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên
>> Thi tốt nghiệp THPT: Không đếm ý cho điểm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.