Hợp tác giải quyết hậu quả dioxin

05/06/2014 10:27 GMT+7

Cuối tháng 4 vừa qua, hệ thống xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng bắt đầu vận hành, mở ra cơ hội cho hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cùng hợp tác giải quyết hậu quả của cuộc chiến.

Hợp tác giải quyết hậu quả dioxin
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (bên phải) tặng xe lăn và máy trợ thính cho người khuyết tật H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú

Sân bay Đà Nẵng cùng với sân bay Phù Cát, Biên Hòa là những căn cứ quân sự của Mỹ mà trong giai đoạn 1962 - 1971 chứa hàng chục triệu lít chất độc da cam/dioxin. Hậu quả không chỉ để lại di chứng cho hàng triệu người Việt Nam qua nhiều thế hệ, mà nhiều khu vực rộng lớn xung quanh các căn cứ quân sự trước đây cũng bị ô nhiễm, riêng khu vực sân bay Đà Nẵng có đến 73.000m3 đất tồn dư dioxin. Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cho hay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác về các vấn đề liên quan đến chất độc da cam từ năm 2000, 7 năm sau đó, Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp khoản tài chính đầu tiên cho dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Dự án có tổng kinh phí 84 triệu USD do Hoa Kỳ tài trợ cùng vốn đối ứng của Việt Nam. Từ khi khởi công tháng 8.2012, dự án đã xây dựng một bể chứa mà Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear ví von rộng bằng diện tích một sân bóng đá để đưa vào đó 45.000m3 bùn đất nhiễm dioxin. Ngày 19.4 vừa qua hệ thống tiến hành đóng điện, bắt đầu giai đoạn 4 tháng nung nóng theo công nghệ khử hấp thu nhiệt để phân hủy 95% dioxin trong bùn đất. Lượng dioxin chưa phân hủy được thu gom dưới dạng lỏng hoặc hơi và sẽ tiếp tục xử lý. Hiện nay quá trình nung hấp trong bể chứa đang đạt tiến độ cao và dự án cũng đã bắt đầu giai đoạn 2 với việc đào xúc 28.000m3 nhiễm dioxin còn lại để tiếp tục xử lý với phương pháp tương tự, dự kiến dự án hoàn thành cuối năm 2016.

Ông Patrick Leahy khẳng định, dự án cụ thể hóa các mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, đó là loại bỏ mối đe dọa của chất độc này với người dân, chứng minh sau nhiều năm Hoa Kỳ không bỏ qua vấn đề dioxin, là ví dụ về những tiến bộ mà 2 nước đã đạt được kể từ khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao gần 20 năm trước. “Dự án này rất ấn tượng về quy mô và tính phức tạp công nghệ, nhưng điều thậm chí còn quan trọng hơn là dự án cho thấy khả năng của chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết hậu quả cuộc chiến tranh gây ra rất nhiều đau thương”, ông Patrick Leahy nói. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng: “Công trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng có ý nghĩa rất đặc biệt, bên cạnh nỗ lực của Nhà nước Việt Nam còn có sự ủng hộ hợp tác rất mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ và đặc biệt tôi muốn nói đến vai trò cá nhân của ngài Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đối với dự án này nói riêng cũng như sự hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam nói chung”.

Hệ thống xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng được vận hành vào dịp tháng 4 mang ý nghĩa đặc biệt. 40 năm trước đây là thời điểm kết thúc cuộc chiến, người Mỹ rút khỏi Việt Nam, nhưng nay theo Thượng nghị sĩ Patrick Leahy thì người Mỹ không bỏ qua vấn đề dioxin và hiện đã quay lại để xử lý chúng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Tôi tin rằng sự thành công của dự án xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng không chỉ để khắc phục hậu quả của quá khứ mà đó còn là con đường mở đến tương lai hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Spencer Cryder khẳng định: “Sức khỏe và an toàn là một vấn đề ưu tiên của Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Chúng tôi giám sát mọi hoạt động đào xúc và những khu vực được sử dụng cho mục đích xử lý để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ luôn sẵn có để ngăn chặn việc phát tán chất ô nhiễm ra khỏi khu vực”.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.