Nghề trồng hoa kiểng đã mang về cho anh Huỳnh Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
|
Nắm bắt nhu cầu thị trường
Sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng hoa ở Sa Đéc nên ngay từ nhỏ, tình yêu hoa kiểng đã thấm vào anh. Tốt nghiệp THPT, anh theo học trung cấp điện tại Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long rồi về làm việc ở tỉnh này. Được một thời gian, do cha mẹ tuổi cao sức yếu, vườn kiểng không người trông coi nên anh quyết định bỏ nghề điện về quê nối nghiệp gia đình.
Hiện nay, anh Tuấn đang sở hữu mảnh vườn rộng 4.000 m2, được chia làm 2 khu: phía ngoài trồng các loại hoa kiểng trang trí công trình như bông bụp, huỳnh anh, bông trang; khu nhà lưới phía trong trồng kiểng lá, gồm phú quý, vạn lộc, ngọc ngân… Anh Tuấn cho biết thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ rất mạnh 2 loại kiểng này. Năm 2013, anh “trúng” một hợp đồng trang trí hoa kiểng công trình ở tỉnh Tiền Giang trị giá hơn 100 triệu đồng. Còn kiểng lá cũng được nhiều người chọn mua vì loại kiểng này vừa dùng để trang trí vừa hút được khí thải trong nhà. “Có đợt thương lái hối giao gấp mấy ngàn chậu kiểng lá. Cây ở cơ sở tôi chưa đủ lớn cũng gom luôn”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, nghề trồng hoa kiểng tuy dễ làm nhưng người trồng phải nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường. Nếu cứ trồng các loại kiểng cũ, bị thoái hóa giống dễ dẫn đến thua lỗ. Phần lớn người dân hiện nay thích giống mới, đa dạng về màu sắc, kích cỡ nên các loại hoa kiểng có nguồn gốc từ nước ngoài, nhất là Thái Lan rất được ưa chuộng. Do đó, anh thường xuyên liên hệ với những nơi có nguồn giống mới để mua lại, rồi tự nhân lên với số lượng lớn.
Có trong tay nguồn hoa kiểng đẹp, anh Tuấn luôn trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong những lần đi bán, tham dự hội chợ hoa ở TP.HCM, anh nhận thấy nhu cầu hoa kiểng của công viên, nhà hàng, khách sạn… nơi đây rất lớn nên anh đã tìm cách ký hợp đồng giao hàng trực tiếp mà không cần phải qua trung gian. Trung bình mỗi tháng, cơ sở anh xuất đi TP.HCM và bán cho thương lái từ 1.000 - 2.000 chậu hoa các loại. Với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/chậu, anh thu lời khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể những vụ hoa tết, mỗi vụ trúng mang về cho anh hàng trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng thu nhập của anh đạt khoảng 400 triệu đồng.
Hỗ trợ hội viên
Hơn chục năm trong nghề trồng hoa kiểng, anh Tuấn nhận thấy nhà vườn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu cứ duy trì kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Vì thế, anh đã vận động nhiều hộ ở địa phương thành lập HTX hoa kiểng P.Tân Quy Đông. Hiện nay, HTX đã có trụ sở hoạt động với 51 thành viên và ký kết được nhiều hợp đồng giao hàng đi các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM. Nhờ am hiểu về các loại hoa kiểng và có mối quan hệ rộng rãi nên anh Tuấn được các xã viên tín nhiệm bầu giữ chức danh lãnh đạo phụ trách kinh doanh của HTX. Anh Tuấn cho biết HTX đang xây dựng website để tiện lợi trong khâu quảng bá và giao dịch với khách hàng.
Bận rộn là vậy nhưng anh Tuấn còn kiêm luôn chức Chi hội trưởng Chi hội hoa kiểng P.Tân Quy Đông gồm 30 thành viên, là các đoàn viên, hội viên, thanh niên ở địa phương. Các thành viên trong chi hội thường xuyên hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra sản phẩm… Anh Trần Thanh Xuân (ở khóm Tân Mỹ, P.Tân Quy Đông) nói: “Tôi được chi hội bảo lãnh vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và được anh Tuấn giúp đỡ thêm về cây giống, kỹ thuật trồng hoa… Đến nay, công việc kinh doanh của gia đình tôi đã khá hơn, thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng”.
Vừa giỏi sản xuất lại năng nổ trong hoạt động Đoàn, Hội nên năm 2008, anh Tuấn được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng. “Với vai trò là người đứng đầu, anh Tuấn đã đóng góp rất hiệu quả cho hoạt động của HTX và chi hội hoa kiểng, giúp đỡ các thành viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Võ Minh Thông, Phó chủ tịch UBND P.Tân Quy Đông, cho biết.
Bách Hợp
>> Chợ Lách rộn rịp mùa hoa kiểng tết
>> Hoa kiểng trong nhà
>> Hoa kiểng "độc", giá "khủng
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Nữ hoàng hoa kiểng
>> Hoa, kiểng "đội giá
Bình luận (0)