(TNO) Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thay đổi về thời hạn lấy phiếu so với quy định cũ và giữ nguyên một số nội dung còn tranh cãi trước đó, như mức tín nhiệm, đối tượng lấy phiếu.
>> Nếu dừng hẳn lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi
>> Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tới các giám đốc sở
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức
>> Chủ tịch QH lưu ý các tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp
Giữ nguyên đối tượng lấy phiếu tín nhiệm
Đọc tờ trình tại phiên họp sáng nay 6.6, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho hay, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội (QH), đã có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý cả mặt tích cực và hạn chế của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết số 35 là phù hợp. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm, trong đó, ở trung ương có Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập theo quy định tại Điều 70 của Hiến pháp. Ở địa phương có Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện…
Theo bà Nương, đối với đề nghị mở rộng diện lấy phiếu là Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập, Ủy ban TVQH đề nghị trước mắt chưa quy định lấy phiếu tín nhiệm, vì Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp và chưa xác định rõ mô hình tổ chức, tính chất hoạt động.
Ủy ban TVQH cũng đề nghị không bổ sung diện lấy phiếu đối với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh, cấp huyện vì các cơ quan này được tổ chức theo hệ thống từ trung ương đến địa phương và theo phân cấp quản lý thì các chức danh này đều do cấp trên xem xét đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm và được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 165 ngày 18.2.2013 của Trung ương.
Đối với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy ban TVQH, dẫn chiếu luật Tổ chức HĐND và UBND, và cho rằng, nếu bổ sung những người giữ chức vụ này vào diện lấy phiếu thì không đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), không phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết 35.
Từ các phân tích trên, Ủy ban TVQH đề nghị đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được giữ như quy định của Nghị quyết số 35.
Chỉ lấy một lần trong nhiệm kỳ
Với nội dung về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm vốn còn nhiều ý kiến khác nhau, bà Nương cho biết, ưu điểm của quy định hiện hành (lấy phiếu tại kỳ họp QH đầu tiên hàng năm) là thực hiện được việc giám sát, đánh giá cán bộ thường xuyên, gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm. Tuy nhiên, mặt hạn chế là thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Vì vậy, Ủy ban TVQH đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của QH, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Theo bà Nương, ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ. Đồng thời, tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác; tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị, theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI).
Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ QH khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011-2016, QH và HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Giữ 3 mức tín nhiệm khi lấy phiếu
Qua lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên theo Nghị quyết 35 vào năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng nếu để 3 mức tín nhiệm trong lấy phiếu (Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp) sẽ khó dẫn tới hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm, mà nên để 2 mức Tín nhiệm và Không tín nhiệm. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lần này, Ủy ban TVQH nhắc lại mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm “là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót…”, và vẫn đề nghị quy định 3 mức tín nhiệm.
“Quy định như vậy phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ”, bà Nương lý giải.
Về hệ quả đối với người được QH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”, bà Nương cho hay dự thảo sửa đổi quy định: đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Người có từ hai phần ba tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
Theo nghị trình, chiều nay QH sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi; thảo luận tại Hội trường vào cuối tuần tới và sẽ biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.
Bảo Cầm
Bình luận (0)