Ngày 6.6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Ông Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao cho biết với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia ký Công ước chống tra tấn vào ngày 7.11.2013 và đang triển khai các bước tiếp theo để phê chuẩn công ước này trong năm 2014.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, ngồi tù theo tinh thần công ước. Tuy nhiên, đi vào một số vấn đề cụ thể vẫn còn một số điểm chưa tương thích nằm rải rác trong nhiều đạo luật liên quan đến chống tra tấn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an cho biết trong năm 2015 - 2016, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hàng loạt đạo luật. Ông Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật hình sự Bộ Tư pháp cũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật như luật Luật sư, luật Thi hành án hình sự, luật Tương trợ tư pháp... Về hướng sửa đổi, ông Dũng trình bày sẽ minh bạch hóa quá trình một người bị bắt tạm giam, lấy lời khai với sự tham gia nhanh nhất của luật sư và đại diện Viện KSND. “Luật sư có thể tiếp cận để bảo vệ thân chủ ngay từ thời điểm bị bắt giam. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp kỹ thuật như lắp camera trong phòng hỏi cung, trong trường hợp bị cáo khai trước tòa bị bức cung thì tòa có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp”, ông Dũng nói và cho biết ngoài các hành vi bức cung nhục hình, các nhà làm luật sẽ tính toán để đưa các quy định sát hơn theo khái niệm tra tấn của Công ước LHQ.
Tại hội thảo, ông Manfred Nowak, cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tra tấn cho biết từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, cần phải có những cơ chế đặc biệt, trong đó có lực lượng điều tra về hành vi bức cung nhục hình độc lập với cảnh sát. Ngoài ra, phải tăng cường vai trò giám sát của báo chí... “Tại một số nước châu u, khi xảy ra việc người bị tạm giam tạm giữ bị thương thì cảnh sát phải chứng minh họ không sử dụng biện pháp tra tấn, nếu không chứng minh được thì đương nhiên bị khép tội tra tấn”, ông Manfred Nowak nói.
Cần tách trại giam ra khỏi Bộ Công an Nêu quan điểm của Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng cũng cho rằng, phải tách trại tạm giam và cơ quan điều tra thành 2 cơ quan độc lập không để Bộ Công an quản lý như hiện nay. "Nếu được như thế, tôi tin chắc giảm bức cung nhục hình là điều có thể”, ông Dũng nói. |
Thái Sơn
Bình luận (0)