|
Tích cóp để tăng đàn
Trước đây, gia đình ông Phoát không có đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn đinh nên phải làm thuê đủ thứ để kiếm sống qua ngày. Mặc dù đã chi tiêu rất tiết kiệm nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2003, địa phương triển khai Dự án nâng cao đời sống nông thôn, gia đình ông được hỗ trợ một con bò giống. Ông Phoát kể lúc nhận bò, ông đã xác định đây chính là cơ hội để gia đình thoát nghèo. Sau khi được địa phương đưa đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa sinh sản ở Bình Dương, ông quyết định xây chuồng và chăm sóc bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo bò phát triển tốt.
|
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi nên từ một con bò giống ban đầu, số lượng bò của ông đã tăng lên đáng kể. Ông Phoát cho biết khi bò mẹ đẻ ra bò đực thì ông đem bán, còn đẻ ra bò cái thì để nuôi lấy sữa. Hiện gia đình ông đã có 15 con bò sữa; trong đó có 7 con đang cho từ 80 - 100 kg sữa/ngày. Nguồn sữa làm ra được một hợp tác xã tại Sóc Trăng thu mua với giá 12.500 đồng/kg. Ông Phoát so sánh: “Làm lúa trên 3 tháng mới thu hoạch, trúng lắm cũng lời khoảng 3 triệu đồng/công. Còn nuôi bò sữa chỉ phải bỏ công đi cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại và cho ăn đầy đủ là có sữa bán, mỗi ngày bỏ túi trên triệu bạc”. Số tiền tích cóp từ bán sữa, vợ chồng ông tiếp tục mua bò sữa về nuôi và mua đất để mở rộng sản xuất.
Kiên trì đeo bám
Ông Thạch Đức Lâm, Trưởng ban Nhân dân ấp Tài Công, cho biết những năm đầu triển khai dự án nuôi bò sữa, địa phương gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn cỏ cho bò ăn, sữa không có người mua… nên nhiều hộ phải bỏ nghề hoặc bán bò cho người khác. Tuy nhiên, nhờ am hiểu khoa học kỹ thuật và quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông Phoát vẫn âm thầm theo đuổi mô hình này. Lúc đầu không ai chịu mua sữa bò, gia đình ông phải đem bán cho các hộ nuôi heo giống. Sau khi được hợp tác xã thu mua thì giá sữa bắt đầu nhích lên như hiện nay. Bây giờ, bà con ở đây ai cũng đổ xô đi mua bò về nuôi.
Hằng ngày, vợ chồng ông Phoát và con trai không lúc nào ngơi tay: vắt sữa chở đi bán, cắt cỏ cho bò ăn, vệ sinh chuồng trại… Không chỉ am hiểu về kỹ thuật nuôi bò sữa, gia đình ông còn là hộ đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nên năng suất luôn đạt trên 8 tấn/ha.
Hiện gia đình ông Phoát đang sở hữu hơn 2 ha đất trồng lúa, 7 công đất trồng cỏ nuôi bò và đàn bò sữa 15 con, thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm.
Ông Thạch Đức Lâm cho biết gia đình ông Phoát là hộ nông dân Khmer đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa ở địa phương. Ông rất chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm nên từ một hộ nông dân nghèo nay đã có của ăn của để, xây được căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng. “Mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông Phoát đang được người dân trong ấp học hỏi nhân rộng”, ông Lâm nói.
Chanh Đa - T.T.Phong
Bình luận (0)