Đăng ký biển số xe máy điện: Có quá nhiều bất cập

12/06/2014 09:10 GMT+7

Thông tư 15 (Bộ Công an) vừa ra đời, có hiệu lực từ ngày 1.6, một lần nữa quy định các loại xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát. Nhưng, việc đăng ký biển kiểm soát cho xe máy điện hiện vẫn đang còn có quá nhiều bất cập.

Thông tư 15 (Bộ Công an) vừa ra đời, có hiệu lực từ ngày 1.6, một lần nữa quy định các loại xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát. Nhưng, việc đăng ký biển kiểm soát cho xe máy điện hiện vẫn đang còn có quá nhiều bất cập. 

 Xe máy điện
Các cửa hàng bán xe máy điện đều không có hóa đơn cho các loại xe máy điện - Ảnh: D.H

Người sử dụng lo lắng

Dù quy định bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát (BKS) từ năm 2009, nhưng đến nay, tại Đà Nẵng chưa có một chiếc xe máy điện nào trong hàng nghìn xe đang lưu thông đến công an làm thủ tục đăng ký BKS. Trong khi đó, những người sử dụng xe máy điện thì rơi vào tình trạng bất an, bởi thủ tục đăng ký, giấy tờ như thế nào vẫn không biết hỏi ai. Theo Thông tư 15, xe máy điện phải đăng ký BKS, nếu không khi lưu thông sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Bên cạnh đó, Thông tư này còn “cởi mở” với những chiếc đã sử dụng trước ngày 1.7.2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo quy định, thì chủ xe phải cam kết, kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương. Nhưng với những loại xe máy điện mua sau thời điểm 1.7.2009, thì Thông tư yêu cầu bắt buộc phải có giấy tờ hợp lệ theo quy định mới được cơ quan công an cấp giấy đăng ký BKS.

Anh Hoàng Văn Hòa (trú đường Ngô Quyền, Q.Sơn Trà) cho hay cách đây 2 năm anh có mua cho con gái một chiếc xe máy điện khi cháu đậu vào trường THPT. “Lúc mua có phiếu bảo hành 1 năm chứ cửa hàng không hề có hóa đơn mua hàng, hết 1 năm thì vứt giấy bảo hành luôn, nên giấy tờ hợp lệ theo quy định thì hoàn toàn không có. Không biết phải làm sao trong khi cháu còn sử dụng xe máy điện này một năm lớp 12 nữa”, anh Hòa chia sẻ. 

Người bán cũng... rối ren

Đảo quanh một vòng các cửa hàng bán xe máy điện trên đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu... Hầu hết các cửa hàng vẫn bán xe máy điện bình thường. Tại cửa hàng T.H trên đường Hùng Vương, khi nghe tôi hỏi mua một chiếc xe có giá 13 triệu đồng, nhân viên bán hàng tiếp đón nồng nhiệt và giới thiệu sản phẩm kỹ lưỡng. Nhưng khi tôi hỏi đến hóa đơn bán hàng thì nhân viên này lãng ra, không vồ vập như trước. Trong khi đó, khách hàng đã từng mua xe tại cửa hàng này cũng tìm đến và hỏi về giấy tờ để làm thủ tục đăng ký BKS, thì nhân viên của cửa hàng nói như đinh đóng cột: “Quy định rứa thôi chớ họ không làm đâu. Dễ gì triển khai. Đã 6 năm rồi mà có ai xử phạt lỗi này đâu. Chị không tin thì đi cả TP.Đà Nẵng xem có ai đăng ký không. Nếu thấy một chiếc xe máy điện nào trên đường phố có BKS thì hãy đến đây, chị chủ sẵn sàng cung cấp đầy đủ giấy tờ để cho các chị đi làm thủ tục đăng ký. Còn giờ thì không cần thiết!”. Một vài người khách khác tìm đến mua xe đạp điện mới, cũng được “tư vấn” như trên. Cửa hàng hoàn toàn không có hóa đơn để cung cấp cho khách. Khi được hỏi vì sao xe điện không có hóa đơn, thì được giải thích qua loa là do xe mua về lắp ráp, xe không có số khung số máy thì không thể có hóa đơn được. Nhiều cửa hàng khác trên đường Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu... cũng tình trạng tương tự.

Cơ quan quản lý nói gì?

Theo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng có khoảng 100.000 xe máy điện. Dù Thông tư 15 quy định xe máy điện phải đăng ký BKS, như đã đề cập ở Thông tư số 06 ban hành năm 2009. Nhưng 6 năm trôi qua, vẫn chưa có một chiếc xe máy điện nào được đăng ký BKS. Bên cạnh nguyên nhân người mua không đủ hồ sơ, làm cho người dân khó khăn trong việc đăng ký BKS, mà còn gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xử phạt cũng như quản lý loại phương tiện này. Ông Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cho biết, cơ quan công an sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đến làm thủ tục đăng ký BKS theo đúng quy định. Thế nhưng, theo yêu cầu, phải có những giấy tờ kèm theo, trong khi xe máy điện hiện trên thị trường hầu hết đều được bán như một loại hàng hóa thông thường, không có số khung, số máy. “Các ban ngành liên quan cần phải ngồi lại, họp bàn và tìm ra giải pháp, chứ không thể đòi hỏi người dân phải có giấy tờ trong khi việc quản lý mua bán mặt hàng này trên thị trường thì không được kiểm soát, không quy định nghiêm ngặt từ trước”, ông Đến nói thêm. Bên cạnh đó, vì không có số khung, số máy, nên xử phạt những loại xe máy điện cũng hết sức khó khăn, vì hầu hết xe đều giống nhau, nên khi giữ xe, trả xe vi phạm là vô cùng bất cập. Bên cạnh đó, người sử dụng chủ yếu là học sinh dưới 16 tuổi, không thể xử phạt đối tượng này. “Vì vậy, việc đăng ký BKS sẽ còn rất khó khăn để thực hiện”, ông Đến cho hay.

Diệu Hiền

>> TP.Cần Thơ: Chưa có trường hợp đăng ký biển số xe máy điện
>> Chưa xử phạt xe máy điện không có biển số
>> Ngày đầu xử phạt xe máy điện không đăng ký
>> Bắt đầu xử phạt xe máy điện không có biển số
>> Đi xe máy điện không đăng ký bị phạt như mô tô
>> An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.