|
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 9.000ha cao su, tập trung phần lớn ở huyện Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền. Huyện Nam Đông có 3.538ha cao su, chiếm hơn 1/3 diện tích. Diện tích tập trung nhiều ở các xã Hương Hòa, Hương Phú, Thượng Quảng, Thượng Long… Các năm qua, nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao này thoát nghèo nhờ trồng cao su. Tuy nhiên, trước tình trạng mủ cao su giảm giá liên tục thời gian gần đây, người dân nơi đây đang đối diện với nhiều khó khăn và áp lực. Từ giữa năm 2012 đến nay, giá mủ cao su liên tục xuống thấp. Từ 25.000 đồng/kg vào năm 2012 thì đến năm 2013 giảm xuống còn 9.000 đồng/kg và đến nay chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Ông Ngọc Văn Thinh trú thôn 4 xã Thượng Long cho biết: “Nhà tôi có 1,5ha cao su. Mấy năm trước, giá mủ cao su còn cao thì mỗi năm ngoài tiền trả ngân hàng còn có tiền để mua sắm đồ đạc trong nhà, cho con ăn học. Cao su thu hoạch phải đầu tư chăm bón 6-7 năm với số tiền bỏ ra cả trăm triệu đồng. Với tình hình giá mủ xuống thấp như thế này thì làm sao có tiền để chăm sóc và trả nợ. Công cáng không dám thuê mà hai vợ chồng phải thay nhau đi lấy mủ. So với những năm trước, năm nay mỗi ngày chúng tôi lỗ cả mấy trăm ngàn đồng. Những hộ dân khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự…”. Cao su trồng ở Thừa Thiên - Huế thường được khai thác từ đầu tháng 5 đến đầu năm sau. Đứng trước tình hình này, một số hộ dân ngưng việc lấy mủ để dưỡng cây với hy vọng giá mủ cao su sẽ tăng lên vào thời gian tới.
Tình trạng giảm giá mạnh của mủ cao su ba tháng gần đây khiến người dân không đủ để trang trải chi phí chăm sóc và thu hoạch, đặc biệt là áp lực từ tiền vay ngân hàng dùng để đầu tư vào rừng cao su.
Ông Trần Công Thành, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông cho biết cây cao su là cây xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao Nam Đông. Mỗi năm, toàn huyện thu hoạch 8.000 tấn mủ tươi với doanh thu khoảng 60 tỉ đồng. Nhờ cây cao su, mấy năm nay, bà con vùng cao nơi đây đã bớt khó khăn và dần dần ổn định cuộc sống. “Mủ cao su rớt giá hiện nay khiến bà con rất lo lắng, lâm vào khó khăn. Một số hộ phải chuyển nhượng rừng cao su cho chủ khác. Với tình hình rớt giá như hiện nay thì bà con sẽ không có tiền để đầu tư chăm sóc, nguy cơ dịch bệnh rất cao, chất lượng mủ năm tới sẽ giảm. Nghiêm trọng hơn, đứng trước nhiều khó khăn người dân là sẽ tác động đến rừng…”, ông Thành nói.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)