|
Thế mạnh của tàu đánh cá vỏ sắt so với tàu vỏ gỗ như thế nào thưa ông?
|
Tôi công tác ở Quốc doanh đánh cá Hải Phòng từ năm 1972, đến 1978 thì ra Cát Bà, xây dựng Xí nghiệp đánh cá Cát Bà, khi đó cũng có nhiều tàu vỏ sắt. Tùy theo vụ cá mà có thể đánh bắt ở rất xa, tận vùng hòn Khoai, hòn Chuối của tỉnh Cà Mau, hay Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Có lần gặp giông, tàu đứt neo, dạt vào bãi, phải thuê máy hút cát, lôi tàu ra. Tàu sắt mới được như thế, chứ tàu gỗ thì đinh đã long, tàu đã vỡ rồi.
Tàu vỏ sắt ổn định, vững chắc, ít biến dạng và kín nước hơn. Trong khi vỏ gỗ thì có thể chỗ dày chỗ mỏng, gỗ non gỗ già, sâu hoặc không sâu, khi hoạt động thì sóng gió, máy, neo sẽ làm giảm liên kết của ván nên phải căn chỉnh. Chưa kể đóng vào mùa khô, gỗ rút, ra biển thì nước vào.
Ông từng sử dụng hoặc từng biết những mẫu tàu đánh cá nào, ưu nhược điểm của mỗi loại ra sao?
Tại Hải Phòng từng có nhiều loại tàu đánh cá vỏ thép do ta tự đóng, hoặc được viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Triều Tiên. Trong đó tàu Liên Xô là hiện đại nhất, tốt nhất. Những chiếc tàu này thường có công suất lớn, tiện nghi tốt, độ bền cao, tuy nhiên chi phí lớn nên hiệu quả kinh tế vì thế không cao. Ngược lại, tàu cá Việt Trung, do Trung Quốc đóng trước kia không quá hiện đại, không quá kiên cố nên chi phí vừa phải, hiệu quả hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu ý mô hình này khi thiết kế, sao cho phù hợp khả năng tài chính, khả năng vận hành, khai thác. Tất nhiên là mỗi loại nghề sẽ phải có thiết kế riêng, như là tàu kéo đóng một kiểu, tàu vây đóng một kiểu... Lưu ý là cũng đừng chạy theo giá thành, những con tàu ta đã đóng là chưa tốt, kém ổn định, thường là do vỏ thép mỏng hơn khoảng 1 - 2 li.
Với những con tàu vừa để đánh cá, vừa để bảo vệ chủ quyền thì loại nào là phù hợp, thưa ông?
Theo tôi, tàu nên trọng tải 50 - 100 tấn là vừa phải, hiệu quả và đủ sức. Máy thì phải có công suất 200 CV là ít nhất, 300 - 500 CV là đẹp, có thể hoạt động hàng tháng trên biển, tùy theo nghề. Đừng ham đóng tàu lớn quá, vì trình độ vận hành của ngư dân có hạn và chi phí lớn.
Tàu đánh cá vỏ sắt gắn với mô hình quản lý nào là hợp lý?
Nghề cá là nghề nhân dân, nên để nó vận hành tự nhiên. Theo tôi biết ở phía nam phổ biến là dân vay vốn, hoặc dùng vốn tự có để đóng tàu, rồi gọi bạn làm, chia lời theo tỷ lệ 1/1 sau khi trừ chi phí. Theo tôi, mô hình 3 - 4 gia đình lập dự án, vay vốn đóng tàu... là tốt nhất. Đừng làm kiểu nhà nước đóng rồi giao cho dân, họ không có dầu để đổ mà chạy thì tàu sẽ thành sắt vụn thôi. Nhà nước nên chọn những gia đình có truyền thống và lấy ý kiến của họ khi đóng tàu.
Phải hỏi kinh nghiệm và nguyện vọng của ngư dân
Đã có một thời Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có chương trình đánh cá xa bờ bằng tàu cá vỏ thép nhưng rồi thất bại. Đến nay chúng tôi cũng chưa được cơ quan có trách nhiệm nói rõ nguyên nhân, chưa rút ra được kinh nghiệm. Bây giờ chủ trương của Đảng và Nhà nước đầu tư tàu cá vỏ thép cho ngư dân là đúng. Tôi chỉ đề nghị một số vấn đề: Một là tổng kết rút kinh nghiệm chương trình đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép trước đó để rút kinh nghiệm tại sao thất bại. Thứ hai là từ đó, xác định chương trình lần này thật sự là vì ngư dân để đóng tàu. Số tiền trên 10.000 tỉ đồng dành cho chương trình này chỉ đủ để đóng khoảng 1.000 tàu cá vỏ thép. So với toàn bộ phương tiện đánh cá của ngư dân ta từ bắc tới nam hiện nay gần 18.000 phương tiện thì con số đó chỉ bằng 1/18. Cho nên theo tôi vẫn phải giữ tàu đánh cá vỏ gỗ nhưng xác định hướng phát triển cho tương lai là phải nghĩ đến tàu cá vỏ thép. Tàu đóng ra phải thật sự của ngư dân, phù hợp với từng vùng miền. Người chịu trách nhiệm đóng tàu phải đến với ngư dân, phải hỏi kinh nghiệm và nguyện vọng của ngư dân. Không nên đóng tàu ồ ạt mà nên chia ra đóng thí điểm trước ở từng vùng biển. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.HCM Đình Mười (ghi) |
Lưu Quang Phổ
(thực hiện)
Bình luận (0)