Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam

18/06/2014 19:53 GMT+7

(TNO) Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột là yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc hôm nay 18.6 tại Hà Nội.

(TNO) Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột là yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc hôm nay 18.6 tại Hà Nội.

>> Thêm 2 tàu quét mìn Trung Quốc xuất hiện ở giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan
>> Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc: Trung Quốc phải rút giàn khoan

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn và tăng cường phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Trong những năm qua, với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc đã có những bước phát triển sâu rộng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phó thủ tướng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về biển Đông.

Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì các cơ chế trao đổi, hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước, triển khai hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và tổ chức phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.