Ông David Dương: Đưa công nghệ xanh về Việt Nam

19/06/2014 15:25 GMT+7

Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đã đạt được những thành công bước đầu ở dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM) và đang thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án ở Long An mang tên: Khu công nghệ môi trường xanh. Ông David Dương - Tổng giám đốc VWS đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên về dự án tầm cỡ này.

Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đã đạt được những thành công bước đầu ở dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM) và đang thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án ở Long An mang tên: Khu công nghệ môi trường xanh. Ông David Dương - Tổng giám đốc VWS đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên về dự án tầm cỡ này.

Ông David Dương: Đưa công nghệ xanh về Việt Nam
Ông David Dương - Ảnh: VWS

Dự án mới

Xin ông giới thiệu đôi nét về dự án mới này tại Việt Nam?

Sau dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP.HCM, mong ước­­­ của tôi là đầu tư dự án ở Long An mang tầm quốc tế, với quy mô 1.760 ha, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ được áp dụng và phù hợp với luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Ý tưởng thiết kế nhìn từ trên không sẽ thấy dự án có hình hoa sen, với 4 khu vực chính: khu vành đai cách ly; khu nhà ở cho nhân viên; khu nghiên cứu công nghệ xanh; khu tái sinh tái chế, trong đó phần quan trọng nhất là khu vành đai cách ly xanh và bảo tồn thiên nhiên, với 300 m chiều ngang bao quanh các khu vực bên trong của khu liên hợp. Đây là dự án có khả năng xử lý đủ loại chất thải, từ rác thải sinh hoạt đến các loại rác thải nguy hại và rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ… Nơi đây sẽ có nhiều hệ thống phân loại, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải thành những vật liệu hữu ích, được phân bố tại các khu như: khu sản xuất phân compost có công suất lớn; khu tái sinh tái chế chất thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại; khu sản xuất ra thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt; khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng an toàn và hợp vệ sinh theo công nghệ Mỹ, có thể cung ứng năng lượng điện cho quốc gia… Một khu công nghiệp xanh và tái chế được quy hoạch trong Khu xử lý chất thải công nghệ xanh, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong các ngành sản xuất và tái chế vật liệu như giấy, nhựa; các ngành công nghiệp sử dụng vật liệu tái chế và các trung tâm nghiên cứu về vật liệu tái chế… vào đây đầu tư xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu. Hệ thống dây chuyền cùng các quy trình xử lý nước thải với công suất lớn của dự án cũng có thể xử lý hết khối lượng nước thải thu được từ các tỉnh, thành phố lân cận. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường từ các hoạt động của khu liên hợp, hệ thống vành đai cây xanh cách ly cũng sẽ được VWS giữ lại diện tích rừng hiện tại. Toàn bộ dự án có công suất xử lý lên đến 40.000 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm 8 tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM.

Với quy mô lớn như vậy, liệu lượng chất thải trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam có đủ để dự án hoạt động?

Trong 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, TP.HCM là nơi có lượng rác thải sinh hoạt nhiều nhất, chiếm hơn phân nửa tổng lượng chất thải sinh hoạt của toàn vùng. Với đặc thù của vùng là có rất nhiều khu công nghiệp, nên lượng chất thải công nghiệp và đặc biệt là chất thải nguy hại cũng rất nhiều, với tổng lượng thải cũng tương đương với rác thải sinh hoạt. Theo các số liệu mà chúng tôi có được, khối lượng chất thải rắn phát sinh của 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía nam (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) hiện nay là 10.291 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (trong đó TP.HCM là 6.500 tấn/ngày) và 11.824 tấn rác thải công nghiệp/ngày. Ước tính khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020 sẽ khoảng 20.623 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (trong đó TP.HCM khoảng 9.814 tấn/ngày), chưa kể lượng rác thải công nghiệp cũng có thể tương đương như vậy. Với công suất xử lý đến 40.000 tấn/ngày, trong vòng đời của dự án kéo dài từ 75 năm đến 100 năm,  và lượng rác của toàn vùng sẽ còn tăng thêm nữa theo thời gian, tôi cho là không thiếu rác cho dự án. Vấn đề là chúng ta tổ chức thu gom như thế nào cho hiệu quả.  

Ông vừa nói đến hiệu quả. Xin hỏi hiệu quả đầu tư của dự án này sẽ như thế nào, thưa ông?

Đối với lĩnh vực xử lý rác, nếu như mỗi tỉnh, thành phố trong vùng đều xây dựng một khu xử lý riêng, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả đầu tư chắc chắn sẽ không bằng việc xây dựng một khu xử lý tập trung cho cả vùng. Với chiến lược xử lý lâu dài từ 75 năm đến 100 năm cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và với nguồn thu của khối lượng lớn thì công nghệ sẽ được đầu tư cao, bền vững và lâu dài đồng thời giá thành xử lý chất thải phù hợp với ngân sách và điều kiện của TP.HCM và các tỉnh trong vùng, dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được ngân sách về kiểm tra, quản lý và bảo vệ môi trường thay vì phải kiểm tra nhiều địa điểm thì nay chỉ tập trung một địa điểm Khu công nghệ môi trường xanh. Cũng xin nói thêm, đây sẽ là một mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng của người dân trong nước và bà con Việt kiều, những người luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Việc làm này không những tạo cơ sở tài chính vững chắc để thực hiện dự án mà còn phù hợp với các chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ đối với Việt kiều.

Ông David Dương: Đưa công nghệ xanh về Việt Nam
Phối cảnh Khu công nghệ môi trường xanh ở Long An - Ảnh: VWS

Sẵn sàng để triển khai

Việc vận chuyển chất thải từ các tỉnh, thành phố trong vùng đến khu này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Do đặc thù của dự án nằm ở khu vực có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi cho vận chuyển bằng đường thủy, cho nên chúng tôi chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển trong thành phố và các sông và hệ thống sà lan cùng container chuyên dụng để vận chuyển rác thải bằng đường thủy. Để tiếp nhận các loại chất thải từ các nơi đến khu vực dự án để xử lý, chủ đầu tư sẽ cho xây dựng một bến thủy nội địa tại Khu công nghệ môi trường xanh để tiếp nhận các sà lan container chất thải chuyển đến. Cách nay 10 tháng, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có chuyến đi khảo sát tuyến đường thủy vận chuyển rác bằng sà lan từ TP.HCM đến Khu công nghệ môi trường xanh (Long An). Ông đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư từ nay đến năm 2020 phải hoàn tất đầu tư 4 điểm trung chuyển rác tại TP.HCM và một số hạng mục của dự án, để tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP.HCM. Tất cả các hạng mục đầu tư phải đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất về môi trường, phương tiện vận chuyển rác phải hiện đại, không gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển.

Đến nay, VWS đã chuẩn bị gì cho dự án này?

Hiện Công ty VWS đang chuẩn bị triển khai xây dựng 2 cây cầu và đường nối từ tuyến quốc lộ N2 vào dự án. Các sở, ngành tỉnh Long An cũng đang phối hợp với TP.HCM, đã tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai để đi vào hoạt động. Cây cầu đầu tiên chuẩn bị động thổ có tên gọi MTX1 (Môi trường xanh 1), gồm 3 nhịp với chiều dài 74,57 m; bề rộng cầu là 32 m, bố trí 6 làn xe và 2 làn bộ hành cùng với dải phân cách. Điểm nổi bật tạo nét đẹp của cây cầu là trụ tháp cao

30 m, cùng với hệ dây cáp văng và dây cáp treo, tượng trưng cho mối quan hệ của con người với thiên nhiên và nó cũng gợi lên hình ảnh chiếc thuyền buồm nhìn từ phía đường cao tốc. Cấu trúc cáp treo nhẹ nhàng và giống như một cánh buồm lộng gió tạo một cảm giác tươi mới và tự nhiên giống như một con tàu ngoài khơi, sẽ tạo một hình ảnh mới và sự kết nối với ý tưởng bảo vệ môi trường ở một tầm cao tiềm thức thông qua tưởng tượng.

Xin cám ơn ông!

Bảo Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.