Chiều 20.6, Sở Tài chính TP.HCM chủ trì họp báo, công bố giá bán buôn và bán lẻ tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, áp dụng trên địa bàn TP.HCM từ ngày 21.6.
|
Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, đợt công bố này trên địa bàn TP.HCM có 11 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa với 175 dòng sản phẩm; 4 DN thuộc diện đăng ký giá với Bộ Tài chính với 141 dòng sản phẩm. Theo đó, giá bán lẻ tối đa tổng cộng 316 dòng sản phẩm này giảm từ 1 - 31% so với giá bán lẻ hiện hành (từ 2.000 - 90.000 đồng/sản phẩm).
Ông Chiến giải thích: “Về nguyên tắc thì giá sữa bán lẻ tối đa phải giảm so giá hiện hành, tuy nhiên giảm nhiều hay ít tùy từng sản phẩm, từng DN. Có những dòng sản phẩm sữa chỉ giảm 1 - 2% nhưng cũng có dòng sản phẩm giảm giá từ 30 - 31%. Đó là do trước đây các DN nhỏ, thị phần nhỏ, cạnh tranh yếu nên suốt mấy năm không tăng giá sữa hoặc lợi nhuận rất thấp. Vì thế đợt này không thể giảm giá nhiều. Ngược lại, có những DN trước đây chi phí bán hàng quá cao, lên đến 40 - 50% giá thành, đợt này cơ quan quản lý buộc giảm xuống nên giá giảm mạnh. Phần lớn những dòng sản phẩm bán lẻ tối đa giảm mạnh thuộc các DN phân phối. Tuy nhiên, chúng tôi đã cam kết với các DN, đó là bí mật kinh doanh nên không được tiết lộ chi tiết đơn vị nào”.
Theo quy định các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá bán lẻ tối đa không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa, và cố định giá này trong thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, một số DN cho rằng điều này có thể dẫn đến một bất cập lớn. Bởi các nhà sản xuất sữa ở VN vẫn phải phụ thuộc nguyên liệu thế giới, hoặc các đơn vị phân phối sữa tại thị trường VN vẫn phải chịu tác động từ giá nguyên liệu sữa thế giới. Do đó, trong trường hợp giá nguyên liệu sữa thế giới tăng đột biến hay các chi phí sản xuất trong nước (giá điện, xăng dầu,) tăng cao, DN sẽ “sống” như thế nào để hết thời hạn 12 tháng để được điều chỉnh giá? “Nếu giá nguyên liệu thế giới giảm thì giá sữa bán buôn tối đa, bán lẻ tối đa cũng giảm theo. Ngược lại, dù giá thế giới tăng thì giá bán buôn tối đa và bán lẻ tối đa vẫn phải giữ ổn định, không được tăng. Một số DN cũng phản ánh sẽ gặp khó khăn với quy định này. Tuy nhiên, biện pháp bình ổn này đã được Bộ Tài chính ban hành thì chúng tôi phải thi hành, tuân thủ nghiêm túc. Nếu trường hợp thị trường có biến động lớn sẽ có báo cáo Bộ Tài chính xem xét, xử lý”.
Tại buổi họp, nhiều DN cũng đặt vấn đề liệu có kiểm soát được giá bán lẻ tối đa hay không? Theo đại diện Sở Tài chính, từ khi công bố và quy định áp trần giá sữa có hiệu lực (21.6.2014), Sở Tài chính TP.HCM sẽ phối hợp 24 quận/huyện và Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra, giám sát việc tuân thủ. Trong thời gian đầu nếu phát hiện đơn vị vi phạm chỉ nhắc nhở. Sau đó nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt. Tùy vi phạm có mức phạt cụ thể, có thể phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ truy thu số tiền DN vi phạm thu lợi bất chính để nộp ngân sách nhà nước, ông Chiến cho biết.
Quang Thuần - Hoàng Việt
Bình luận (0)