|
Ông Hoàng Văn Cường (sinh năm 1949) từ lâu là một cái tên rất quen thuộc trong giới cổ ngoạn (sưu tầm và thưởng ngoạn đồ cổ). Sinh ra ở nội thành Huế trong một gia đình 3 đời sưu tầm cổ vật, nhưng vì “có máu phiêu bạt giang hồ từ nhỏ” nên mới 16 tuổi, ông đã được hãng thông tấn UPI (Mỹ) tuyển dụng vào làm phóng viên chiến trường. Những năm tháng cầm máy ảnh lăn lộn trên nhiều vùng miền, ông vừa làm nghề vừa cất công tìm tòi, học hỏi, sưu tầm cổ vật với mong ước giữ lại cho mai sau.
Đắm mình trong thế giới cổ vật 45 năm nay, “vua đồ cổ Sài Gòn” giờ đang sở hữu bộ sưu tập gần 2.000 cổ vật chất liệu sành, sứ, đồng, đá, gỗ, ngọc, ngà... rất có giá trị. Về niên đại, có những bộ sưu tập “cổ vật ngàn năm” thời văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo hay những “cổ vật trăm năm” thuộc dòng ngự dụng (sử dụng trong cung vua) thời nhà Nguyễn, hoặc xuất xứ từ các nước châu Á. Trong ngôi nhà riêng trên đường Đông Du (Q.1, TP.HCM), ông Cường giới thiệu thêm về bộ sưu tập gốm sứ đời Minh (Trung Hoa) với 30 món chén, đĩa, tô các loại; tượng và kiếm lệnh của vua Khải Định bằng vàng; những khẩu súng Nhật sản xuất năm 1600, báng làm bằng ngà voi; bộ sập bằng gỗ sơn chi - lệ chi (một loại gỗ quý) được chế tác từ Trung Hoa hơn 300 năm trước...
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển Đông
Ông Cường nâng niu cổ vật như chính những người thân trong gia đình. Ông bảo qua dòng chảy thời gian, mỗi cổ vật ẩn chứa rất nhiều linh hồn của những người đã từng gắn liền với nó. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán mua, thế nhưng bây giờ ông đang ấp ủ cho một mục đích ý nghĩa: bán đấu giá và ủng hộ 70% trị giá cổ vật để sung vào quỹ quốc phòng, phục vụ công cuộc giữ gìn chủ quyền đất nước (chỉ giữ lại cho gia đình 30% giá trị). Ông Cường nói, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền VN, ông rất nóng lòng với thời cuộc nên quyết tâm phải thể hiện được ước nguyện của mình để góp một phần công sức cùng cả nước chống lại hành động xâm lăng. Gia đình ông ủng hộ bởi tất cả mọi người đều thống nhất rằng đây là chuyện rất đáng làm vì chủ quyền VN trên biển Đông trong tình hình hiện nay.
|
“Vua đồ cổ Sài Gòn” kể ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc với văn nghệ sĩ cả nước, trong đó chính nhờ sự mai mối của nhà thơ Huy Cận, ông mới cưới được cô gái xinh tươi, hiền dịu Phạm Thị Phương Liên (con của nghệ sĩ cải lương Thành Được) làm vợ rồi gắn bó bên nhau cho đến ngày hôm nay. Học giả Đào Duy Anh trong một lần đến thăm (khoảng 40 năm trước) đã viết tặng ông hai câu thơ: Ô hay mọi cái đều mây nổi/Còn với non sông với chữ tình. “Vua đồ cổ Sài Gòn” rất thích thú và liền đáp từ: Dẫu thân lắp đá vá trời/Có thì tạm có không thì hóa không. Ông bảo ông vẫn mãi luôn sống với những tâm tình như thế...
Cần sự đồng ý của cơ quan chức năng Ông Hoàng Văn Cường cho biết để ước nguyện thành hiện thực thì các cơ quan chức năng cần tiến hành lập hồ sơ, giám định, cho phép tổ chức đấu giá số cổ vật trong nước hay mang đi đấu giá ở nước ngoài. “Vua đồ cổ Sài Gòn” ước tính gia tài cổ vật của ông trị giá khoảng hàng chục triệu USD và mong muốn thông qua Báo Thanh Niên để được các cơ quan chức năng hướng dẫn thủ tục hiến tặng, bán đấu giá bộ sưu tập. |
Đình Phú
>> Xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc
>> Trách nhiệm của sinh viên với chủ quyền Tổ quốc
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Bằng chứng tàu hải giám Trung Quốc cố tình đâm tàu VN
>> Triển lãm bằng chứng tố cáo tội ác tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng
>> Bằng chứng đanh thép khẳng định Hoàng Sa của Việt Nam
>> Trục vớt bằng chứng tố cáo tội ác của Trung Quốc
>> Cận cảnh bằng chứng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm
>> Di sản thế giới - Hồ sơ châu bản triều Nguyễn: Bằng chứng chủ quyền biển đảo
Bình luận (0)