Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội địa, trái cây Việt Nam còn xuất khẩu, hằng năm thu về hơn 1 tỉ USD. Mùa hè, cao điểm của du lịch nội địa, cũng là mùa rộ trái cây Nam bộ. Nhiều người sợ phải ăn trái cây nhúng thuốc nên rủ nhau về các vườn ăn trái cây chín tự nhiên. Cách đây vài năm, người viết có dự chương trình “Du lịch mùa vú sữa Vĩnh Kim” do Tiền Giang tổ chức. Phải nói là cực kỳ thú vị. Khách vào vườn, được giới thiệu về cây vú sữa. Từ chọn giống, phân biệt loài, chăm sóc đến cách hái và ăn đúng điệu. Từ cách bóp cho trái mềm, “sữa” trào ra và mút đến cách xóa mủ dính trên miệng bằng mặt trái của lá… Thú vị vì có thêm kiến thức, vì được trực tiếp chọn hái rồi thưởng thức chiến lợi phẩm của mình. Trái cây thì quanh năm, mùa nào cũng có, vườn này nối tiếp vườn kia. Chỉ thiếu nhà vệ sinh chứ đường có thể đi bộ hoặc xuồng; Hoặc đi xe đạp, gắn máy hay ngồi xe lôi, xe bò càng khoái. Khách rất mê loại hình du lịch này nhưng các công ty lữ hành chưa khoái vì gặp nhiều cái khó. Trong khi đó, nhà vườn thì không thể tự đón khách. Nhà này cứ chờ nhà kia, khách chịu thèm còn du lịch Việt Nam mất một loại hình độc đáo.
Chỉ cần “ba nhà” gồm nhà nước - nhà vườn - nhà du lịch cùng bắt tay hợp tác là ra chuyện. Nhà nước có chính sách giảm thuế, hỗ trợ vốn để làm nhà vệ sinh và lâu dài làm đường quê. Nhà vườn đảm bảo trái cây an toàn, chất lượng, giá hợp lý. Khi đó, “nhà du lịch” sẽ giành nhau quảng bá và đưa khách đến. Ngoài việc tìm hiểu về cây trái, cách ăn; còn được hướng dẫn cách chế biến các món ngon từ trái cây, cách làm đẹp và chữa bệnh tùy loại và mua các loại cây tháp về làm kiểng hoặc trồng trong nhà. Khách ta hay khách Tây đều hứng thú. Ý tưởng đã có nhưng chưa thấy ai bắt tay thực hiện đến cùng. Vì thế, rất tiếc cho du lịch miền Tây cùng Đông Nam bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, đang lãng phí những tiềm năng hấp dẫn.
Nguyễn Văn Mỹ
>> Mở thêm thị trường cho trái cây
>> Lễ hội trái cây Nam bộ diễn ra từ ngày 1 đến 8.6
Bình luận (0)