(TNO) Trong một bài bình luận sâu về quan hệ Trung-Nga, tạp chí điện tử The Diplomat đã nêu bật ra 4 lý do mang tính chiến lược và chính trị khiến Moscow không ủng hộ Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.
|
Ấn phẩm chuyên về Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Nhật Bản này cho biết Mỹ trong thời gian gần đây đã liên tục lên tiếng chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam trong vụ Bắc Kinh kéo giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Washington cũng đã ký kết hiệp ước hợp tác quốc phòng kéo dài 10 năm với Philippines, quốc gia cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông.
Tuy nhiên, The Diplomat nhận định rằng Nga, “đối tác chiến lược” của Trung Quốc, vẫn chưa thấy bày tỏ quan điểm trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và hầu như không công khai ủng hộ Bắc Kinh
Thậm chí trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nga cũng có lập trường mơ hồ không rõ ràng.
The Diplomat nhận định có 4 lý do mang tính chiến lược và chính trị khiến Nga không đứng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Thứ nhất, quan hệ Nga-Trung khác với quan hệ Mỹ-Philippines, theo The Diplomat. Giữa Bắc Kinh và Moscow không có hiệp định đồng minh nào, trong khi Washington và Manila, cũng như Washington và Tokyo đều đã ký hiệp ước hợp tác an ninh.
Trong một quan hệ đồng minh, mỗi bên đều có nghĩa vụ giúp nhau về mặt chính trị, thậm chí là về quân sự, và đây là cấp độ quan hệ song phương cao nhất trong các mối quan hệ quốc tế, theo The Diplomat.
Mặc dù quan hệ Trung-Nga có một số đặc tính của một mối quan hệ đối tác chiến lược chiến lược, nhưng chính phủ 2 nước không gắn kết với nhau bởi các ràng buộc theo hiệp ước để có thể đấu tranh cho vị thế quốc tế và quyền lợi quốc gia của nhau.
The Diplomat chỉ ra rằng truyền thông Trung Quốc trong một thời gian dài đã liên tục làm đậm và quảng bá những khía cạnh tích cực trong quan hệ Trung-Nga và các hãng tin nước ngoài cũng thường xuyên thổi phồng mối quan hệ này.
Đôi lúc các hãng truyền thông thậm chí còn cho rằng Trung Quốc là đồng minh không có hiệp ước với Nga.
Và điều này khiến nhiều người đinh ninh rằng sự hợp tác chính trị của Bắc Kinh và Moscow là vô hạn, dẫn đến vị thế an ninh của Bắc Kinh được gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tế từ các mối quan hệ quốc tế cho thấy rằng bất kể quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có tốt đến mức nào đi chăng nữa, thì nó cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đến chính sách cơ bản của Bắc Kinh tại biển Đông và biển Hoa Đông, The Diplomat bình luận.
Thực tế cũng cho thấy quan hệ Trung-Nga cơ bản chỉ dựa trên các lợi ích của cả 2 bên. Biển Đông không phải là nơi Nga có thể mở rộng quyền lợi của riêng mình và Trung Quốc không thể cứ hiểu sai bản chất thực sự của mối quan hệ giữa 2 nước để rồi kỳ vọng quá nhiều vào Nga, The Diplomat phân tích.
Thứ 2, Nga cũng đang có quan hệ tốt với các quốc gia ven biển Đông và không nhất thiết phải từ bỏ quan hệ hữu hảo với Đông Nam Á vì Trung Quốc, theo đánh giá của The Diplomat.
|
“Như đã nói ở trên, Nga không mặn mà đối với việc ra mặt ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Và một trong những lý do là vì Moscow đang có quan hệ tốt với nhiều nước Đông Nam Á”, The Diplomat nhấn mạnh.
Bài phân tích của tạp chí điện tử này cũng chỉ ra rằng hiện không hề có rào cản lớn ngăn cản sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga.
Giữa 2 nước đang có một mối quan hệ hợp tác – đó là quốc phòng – và mối quan hệ này đã kéo dài từ Thế Chiến Thứ 2 cho đến tận ngày nay.
Nhiều vũ khí của Việt Nam được mua từ Nga, chẳng hạn như 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo và 4 chiến đấu cơ Su-30MK2.
Tương tự, Moscow cũng có quan hệ tốt với Philippines, theo The Diplomat. Hai năm trước, 3 tàu hải quân Nga, gồm cả tàu khu trục săn tàu ngầm Đô đốc Panteleyev, đã đến Manila trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày.
Nga khi đó đã tuyên bố chuyến thăm này giúp cải thiện mối quan hệ 2 nước.
Thứ ba, Nga không nhất thiết phải cố đối đầu trực tiếp với Mỹ tại biển Đông. Mối bận tâm hiện tại của Nga là ở châu u, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã cho thấy rõ sự đối đầu giữa Nga và phương Tây, The Diplomat cho hay.
Và điều này khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn. Trong tình hình nói trên, Nga không có mong muốn hoặc khả năng để đối đầu với Mỹ tại biển Đông.
Ngoài ra, các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông không thực sự là xung đột trực tiếp giữa Bắc Kinh và Washington, mà chỉ xuất phát từ bất đồng giữa các nước giáp với biển Đông về lịch sử và hiện trạng trên biển, The Diplomat nhận định.
Mỹ chỉ là yếu tố mang tính ảnh hưởng, chứ không phải là yếu tố quyết định cho kết cục của bất đồng này.
Và trong tình hình như trên, với tư cách là nước đứng ngoài cuộc, Nga chẳng có động lực gì để ủng hộ Trung Quốc hay quay sang chỉ trích Mỹ.
|
Lý do cuối cùng mà bài phân tích của The Diplomat nêu ra chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc thực ra cũng gây ra một số lo ngại tại Nga.
Đối với một số nước phương Tây, sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ giúp kiềm hãm sự bành trướng của Bắc Kinh sang các khu vực khác.
Còn tại Nga, luôn có một số quan ngại cho rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ dẫn đến kết cục vùng viễn đông của Nga, vốn dồi dào khoáng sản, sẽ dần bị Trung Quốc thôn tính.
Mặc dù các quan chức Nga luôn tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác tại vùng viễn đông, nhưng họ chưa từng bao giờ ngừng đề cao cảnh giác đối với cái gọi là “sự mở mang bờ cõi” của Trung Quốc, theo The Diplomat.
Tuy nhiên, dù đưa ra 4 lý do lý giải vì sao Nga không ra mặt ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp tại biển Đông, nhưng The Diplomat cũng chỉ ra rằng Trung Quốc cũng sẽ không cảm thấy hoài nghi hay thất vọng vì lập trường của Nga.
Trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt là trong vụ Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc cũng đã không công khai ủng hộ Nga, thậm chí còn bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề Crimea.
Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc phản đối Nga. Tương tự, việc Nga không đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông cũng không có nghĩa là nước này không ủng hộ Trung Quốc.
Nga có cách riêng để làm chuyện này, chẳng hạn như chọn cách tập trận chung với Bắc Kinh tại biển Hoa Đông.
“Trung Quốc và Nga chừa cho nhau một khoảng trống đủ rộng để triển khai những chính sách mập mờ. Điều này là minh chứng cho thấy quan hệ đối tác giữa 2 nước đang ngày càng sâu đậm. Điều này cũng cho phép cả Bắc Kinh lẫn Moscow có khoảng trống cần thiết để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mỗi bên”, The Diplomat kết luận.
Hoàng Uy
>> Việt Nam sẽ mua thêm nhiều vũ khí tối tân từ Nga
>> Chuyên gia Nga: Trung Quốc sẽ hòa giải với Việt Nam
>> Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc để khiêu khích Nga-Trung Quốc?
>> Chuyên gia Nga: Trung Quốc có 600 đầu đạn hạt nhân trong 10 năm tới
>> Tàu chiến Nga, Trung Quốc tập trận ở Địa Trung Hải
Bình luận (0)