(TNO) Tại phiên họp cấp bộ trưởng của Ủy ban Sông Mekong (MRC) diễn ra ngày 26.6 tại Bangkok (Thái Lan). Lào đã đồng ý gửi lại hồ sơ dự án thủy điện Don Sahong theo đúng quy trình tham vấn trước, thay vì bỏ qua như trước đây.
Cá là nguồn dinh dưỡng chính sông Mekong cung cấp cho cư dân sinh sống hai bên bờ. Các con đập thủy điện sẽ đe dọa nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên này - Ảnh: International Rivers |
Số phận đập Don Sahong
Don Sahong là công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong tại Lào, sau đập Xayaburi. Dự án này nằm ở khu vực Siphandone (gần thác Khone), ở miền Nam Lào, cách biên giới Lào – Campuchia 2km.
Con đập nằm ở khu vực gần 4000 hòn đảo, xây trên dòng Hou Sahong. Về mùa khô, nhánh sông này là dòng chảy duy nhất để hàng ngàn loài cá di cư và sinh sản. Việc xây đập tại đây sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cá, hệ sinh thái, thậm chí làm biến mất loài cá heo nước ngọt Irrawaddy tại hồ Kratíe bên dưới dòng chảy.
Tháng 9.2013, Lào gửi đến MRC thư “thông báo trước”, cho biết họ sẽ xây dựng thủy điện Don Sahong mà không thông qua quy trình “tham vấn trước” để đạt được sự đồng thuận từ các quốc gia tiểu vùng sông Mekong.
Theo chính phủ Lào, Don Sahong không phải thủy điện trên dòng chính sông Mekong nên không cần thông qua quy trình tham vấn trước.
Từ lúc gửi thông báo này, Lào vấp phải sự chỉ trích của nhiều tổ chức môi trường ở các nước có liên quan đến dòng sông.
Trong phiên họp ngày 26.6 vừa qua, MRC bất ngờ phát đi một thông cáo báo chí cho hay Lào nhượng bộ, chấp nhận theo quy trình tham vấn trước tại Don Sahong. Thông cáo viết: “Quá trình tham vấn trước sẽ chính thức hóa các thảo luận và đánh giá giữa các quốc gia thành viên và các bên liên quan về những bất lợi tiềm tàng và các tác động xuyên biên giới của dự án này”.
Nhận xét về động thái này của Lào, ông Marc Goichot, cố vấn cao cấp của quỹ WWF, nói với Thanh Niên Online: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của đoàn Lào khi chấp nhận đưa dự án Don Sahong theo đúng quy trình tham vấn trước – một yêu cầu bắt buộc theo Hiệp định Sông Mekong 1995. Tuy nhiên, quá trình ra quyết định chung của MRC vẫn cần phải sửa đổi. Thủ tục PNPCA (thông báo, tham vấn trước) đã hoàn toàn thất bại vào năm 2012, khi Lào vẫn quyết định xây Xayaburi, bất chấp những phản đối từ Việt Nam và Campuchia”.
Tình thế mới ở các con đập dòng chính Mekong
Trước phiên họp cấp bộ trưởng 2 ngày, cũng tại Bangkok, tòa án Hành Chính Tối Cao Thái Lan bất ngờ chấp nhận đơn kiện của hàng trăm dân làng Thái Lan. Đơn kiện chống lại Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) và 4 công ty nhà nước khác vì đã chấp nhận mua 95% lượng điện sẽ sản xuất ra từ Xayaburi.
Việc chấp nhận đơn kiện này hướng sự quan tâm của quốc tế trở lại Xayaburi. Bà Ame Trandem, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức sông ngòi thế giới cho biết: “Quyết định của tòa án Hành Chính Tối Cao Thái Lan với vụ kiện này đặc biệt quan trọng vì tòa đã nhận định đập Xayaburi sẽ tạo ra tác động bất lợi đến cuộc sống của cư dân bên dưới dòng sông".
Bà Trandem cũng nhận xét nếu tòa án Thái buộc EGAT không được mua điện từ Lào, vụ kiện này có thể khiến "các thỏa thuận mua bán điện phải bị hoãn lại hoặc hủy bỏ, nó sẽ gây ra nguy cơ với nhà đầu tư đang xây dựng đập Xayaburi vì không có ai mua điện sản xuất ra từ đây”.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, có cùng nhận định: “Việc chấp nhận đơn khiếu nại này là một sự kiện rất đặc biệt vì nó làm đảo ngược một phần phán quyết của Tòa án Sơ thẩm năm 2012 cho rằng Tòa án Thái Lan không có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện tụng này”.
Trước đó, Lào đã không tuân theo thủ tục tham vấn trước với Don Sahong và phớt lờ phản đối từ các nước liên quan, vẫn xây dựng Xayaburi.
Ông Lê Anh Tuấn nói về nguy cơ của Việt Nam từ các con đập tại Lào: “Nếu cả Xayaburi và Don Sahong được xây dựng thì lần lượt các đập nước khác trên dòng Mekong sẽ tiếp tục xây dựng, cắt đứt dòng Mekong thành những đoạn hồ thủy điện.
"Hệ sinh thái và sinh kế hạ lưu vực sông Mekong, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động nghiêm trọng ở nhiều khía cạnh, gây suy thoái về nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái, canh tác nông nghiệp, thủy sản, ... và nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế và an ninh xã hội”.
Khải Đơn
Bình luận (0)