Minh bạch tài sản: Dù về hưu cũng phải kiểm tra

01/07/2014 13:20 GMT+7

(TNO) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy trước băn khoăn của một số cử tri về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

(TNO) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy trước băn khoăn của một số cử tri về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc sáng nay - Ảnh Thái Sơn

Sáng nay 1.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP.Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội để thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Bên cạnh bày tỏ mối quan tâm lo ngại về tình hình biển Đông, cử tri cho rằng vấn đề nóng trong nước là tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng chống chưa nghiêm khiến người dân hoài nghi.

Ông Bùi Đức Thập (phường Xuân La, quận Tây Hồ) dẫn trường hợp nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sau khi về hưu đã xuất hiện khối tài sản rất lớn, trước khi nghỉ hưu ông này ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ.

“Tại phiên chất vấn của thành viên chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói ông Truyền thuộc quyền quản lý của Ủy ban kiểm tra T.Ư, vì về hưu nên quản lý ở Đảng bộ địa phương. Nói như vậy khác gì đá bóng trách nhiệm sang chỗ khác. Với dư luận về khối tài sản lớn như vậy, Tôi đề nghị đồng chí Tổng bí thư phải làm rõ vấn đề này cho người dân tin tưởng”, ông Thập đề nghị.

Trao đổi với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hiện Ban bí thư đã giao cho Ủy ban kiểm tra T.Ư xác minh về nguồn gốc tài sản của ông Trần Văn Truyền. “Dù có về hưu cũng vẫn phải làm. Vẫn phải kiểm điểm ở cơ quan kiểm tra của Đảng. Quan trọng là chúng ta phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng lãng phí hiện nay được Đảng và Nhà nước coi như giặc nội xâm và việc chống lại kẻ thù này gặp nhiều khó khăn. Giặc nội xâm liên quan tới người có chức, có quyền, lợi ích nhóm… Đây cũng là một mặt trận nóng bỏng song lâu dài. Thời kỳ nào cũng có, chế độ nào cũng có. Tùy mức độ, bản lĩnh phương pháp đấu tranh của chúng ta.

Tổng bí thư cho rằng trong thời gian gần đây có nhiều chuyển biến trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thể hiện qua những vụ án lớn được đem ra xét xử. Trong đó vụ án Nguyễn Đức Kiên sẽ tiếp tục được điều tra làm rõ thêm. Tổng bí thư nhìn nhận, trong phòng chống tham nhũng hiện có một số khâu yếu cần phải được chấn chỉnh như kê khai tài sản, điều tra, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng…

“Năm nay, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục thành lập các đoàn đi kiểm tra ở các cấp. Không chỉ T.Ư mà còn ở các địa phương, cơ sở”, Tổng bí thư nói.

Thái Sơn

>> Một cách chống tham nhũng
>> Chi đến 10 triệu đồng mua 1 tin chống tham nhũng
>> Chống tham nhũng phải quyết liệt như chống ngoại xâm
>> Chống tham nhũng, đừng nửa vời!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.