Trung - Hàn thúc ép Triều Tiên

04/07/2014 03:00 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đến Hàn Quốc trong một chuyến thăm trái ngược với thông lệ ngoại giao lâu nay của Bắc Kinh.

 Trung - Hàn thúc ép Triều Tiên
Ông Tập Cận Bình (trái) và bà Park Geun-hye tại cuộc họp báo ngày 3.7 - Ảnh: Reuters

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc (TQ) đến Hàn Quốc (HQ) trước CHDCND Triều Tiên và diễn ra trong lúc quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng trở nên lạnh nhạt hơn. Yonhap đưa tin sau lễ đón tại sân bay, ông Tập đã có cuộc hội đàm với Tổng thống HQ Park Geun-hye.

 

HQ ngầm phản đối TQ ở biển Đông

Nhân chuyến thăm HQ của ông Tập Cận Bình, tờ International Policy Digest đã đăng bài nhận định về việc Seoul sẽ đứng về bên nào trong tranh chấp tại biển Đông. Theo bài báo, dù không ủng hộ những hành động của TQ ở biển Đông nhưng HQ sẽ không công khai bày tỏ quan điểm của mình để tránh hậu quả bất lợi trong quan hệ với TQ. Tuy nhiên, nước này đã thể hiện thái độ của mình một cách gián tiếp thông qua cam kết mở rộng hợp tác quốc phòng với Philippines cũng như cung cấp cho nước này tàu chiến và chiến đấu cơ. Ngoài ra, nỗ lực gia tăng ảnh hưởng địa - chính trị của TQ cũng đã khiến HQ thận trọng với ý định “hợp tác thực sự” của Bắc Kinh.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, bà Park cho biết TQ và HQ nhất trí sử dụng “mọi biện pháp” để phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên. Hai nước cũng tái khẳng định sự phản đối dứt khoát đối với bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trong tương lai của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, ông Tập nhấn mạnh nhu cầu giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán. Theo Reuters, hai bên cũng cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do song phương vào cuối năm nay.

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ chuyến thăm HQ của ông Tập, Triều Tiên hôm qua đã có chiến thắng ngoại giao của riêng họ với việc một đất nước láng giềng ở Đông Bắc Á khác là Nhật thông báo nới lỏng lệnh trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng cam kết sẽ khởi động điều tra các vụ bắt cóc người Nhật cách đây hàng chục năm.

Giới quan sát nhận định ông Tập có thể sử dụng chuyến công du 2 ngày để tranh thủ sự ủng hộ của HQ trước việc Nhật mở rộng vai trò quân sự trong khu vực. Quan hệ giữa TQ và HQ với Nhật vốn trở nên căng thẳng, liên quan đến quá khứ quân phiệt của Nhật cùng những tranh chấp lãnh thổ. Bắc Kinh và Seoul cũng đều đã có phản ứng với quyết định diễn dịch lại hiến pháp, nhằm mở rộng vai trò quân sự của Nhật. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong khi TQ lên án hành động trên của Nhật là “bịa đặt cái gọi là mối đe dọa TQ nhằm phục vụ các mục đích chính trị nội địa”, phản ứng của Seoul nhẹ nhàng hơn nhiều.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Kim Han-kwon, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á ở Seoul, nhận định hai thái độ trên cho thấy một sự khác biệt giữa những ưu tiên chiến lược của hai nước. “Với HQ, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên là vấn đề quan trọng nhất, trong khi với TQ đó là nỗ lực tái vũ trang của Nhật. HQ luôn đặt nặng liên minh với Mỹ và Mỹ rõ ràng đã tuyên bố ủng hộ quan điểm của Nhật. Vì thế, quan điểm của HQ đối với việc tái vũ trang của Nhật sẽ hạn chế”, ông nói.

Trùng Quang 

>> Triều Tiên thị uy trước chuyến thăm Hàn Quốc của chủ tịch Trung Quốc?
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Trung Quốc lên giọng trước hội đàm với Mỹ
>> Quan chức pháp y Trung Quốc từ chức trước phiên xử Bạc Hy Lai 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.