Viễn cảnh xung đột Senkaku/Điếu Ngư

06/07/2014 11:48 GMT+7

Tạp chí The National Interest vừa đăng bài viết vạch ra kịch bản bùng nổ chiến tranh Nhật - Trung do tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, kéo theo phản ứng của Mỹ.

Viễn cảnh xung đột Senkaku/Điếu Ngư
Tàu tuần duyên Nhật Bản tuần tra gần Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters

Trong bài viết, chuyên gia quân sự Mỹ Harry Kazianis vẽ ra viễn cảnh chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản bùng phát sau một vụ va chạm bất ngờ trên bầu trời Hoa Đông, đồng thời phân tích phản ứng của Washington. 

Nguy cơ có thật

Theo chuyên gia Kazianis, kịch bản chiến tranh khởi đầu vào ngày 1.3.2015 với giả định rằng Trung Quốc triển khai tàu dân sự tuần tra hằng ngày xung quanh nhóm đảo tranh chấp, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu chiến khác của nước này diễn tập trên biển cách đó 80 km. Đầu tiên, 2 chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật Bản trong vòng 7 m, ở địa điểm cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 16 km về hướng tây trong ngày đầu tiên của tháng 3. Đây là tình huống phỏng theo một sự kiện có thật vào tháng 4.2001 tại đảo Hải Nam khi một chiếc Su-27 của Trung Quốc va chạm với máy bay P-3 Orion của Mỹ.

Trong viễn cảnh giả định, “máy bay Nhật Bản va phải một trong hai chiến đấu cơ. Cả hai rơi xuống biển, không có người sống sót”. Chỉ 72 giờ sau, 20 người Trung Quốc lợi dụng bóng đêm đổ bộ lên nhóm đảo tranh chấp. Nhận được báo động, một đội tàu phản ứng nhanh của Nhật Bản chở theo binh sĩ lập tức được triển khai đến đảo để trục xuất nhóm xâm nhập, trong khi Trung Quốc đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu công dân của họ bị làm hại. “Khi lực lượng Nhật Bản tới khu vực cách mục tiêu 32 km, một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc bay ngang trên đầu các tàu. Khi lướt qua thêm một lần nữa, nó tiến sát một tàu khu trục của Nhật Bản. Theo phản ứng phòng vệ, con tàu khai hỏa bắn rơi chiến đấu cơ”, ông Kazianis viết.

Ngay lập tức, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn tên lửa đối hạm DF-21 về hướng của đội tàu Nhật Bản để cảnh cáo và quả tên lửa rơi xuống biển cách nhóm tàu Nhật Bản khoảng 16 km. Không nao núng, nhóm tàu Nhật Bản vẫn xông đến phía trước nhưng hứng chịu đợt tấn công dày đặc bằng tên lửa đạn đạo và hành trình dồn dập từ phía PLA. Kết quả là 3 tàu của Nhật bị trúng đạn và thương vong vô số. 

 

Truyền thông Trung Quốc nhận lệnh công kích Nhật Bản

Kyodo News ngày 4.7 đưa tin cơ quan phụ trách tuyên truyền ở Trung Quốc đã ra lệnh cho các tổ chức truyền thông mạng đẩy mạnh công kích Nhật Bản sau khi Tokyo quyết định diễn dịch lại hiến pháp theo hướng cho phép áp dụng quyền phòng vệ tập thể. Những nguồn thạo tin cho biết chỉ thị yêu cầu giới truyền thông phải tiếp tục công kích chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm “định hướng dư luận có cái nhìn đúng đắn” về Nhật Bản. Theo nguồn tin, chỉ thị được đưa ra sau khi nội các của ông Abe ra nghị quyết diễn dịch lại hiến pháp. Chỉ thị cũng nhắc đến chuyến thăm Úc và New Zealand vào tuần tới của ông Abe, nói rằng “nhiều khả năng ông ta sẽ có một số phát biểu (về Trung Quốc) song chúng nên được đưa tin theo cách không gây chú ý”, theo Kyodo News

S.D

Cuộc gọi lúc 3 giờ sáng

Chuyên gia Kazianis tiếp tục giả định việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi điện khẩn cấp cho Tổng thống Mỹ Barack Obama để “chính thức yêu cầu giúp đỡ dựa trên các điều kiện của liên minh Mỹ - Nhật”.

Phần then chốt trong kịch bản là phản ứng của ông Obama khi nhận cuộc điện thoại từ ông Abe lúc 3 giờ sáng. Chuyên gia Kazianis đặt câu hỏi liệu chính quyền Obama có sẵn sàng thực thi thỏa thuận an ninh Mỹ - Nhật hay không? Hay nói cách khác, trước viễn cảnh Trung Quốc đoạt lấy Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát, liệu Mỹ có ủng hộ đồng minh vô điều kiện? Hoặc mở rộng hơn: trong trường hợp nào người Mỹ sẽ đến châu Á để giải cứu đồng minh? Theo điều 5 của hiệp ước an ninh, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản khi “lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Tokyo bị tấn công” và Tổng thống Obama hồi tháng 4 đã cam kết sẽ thực thi thỏa thuận song phương. Ông Kanzianis khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ lâm nguy nếu trật tự ở châu Á - Thái Bình Dương bị thay đổi. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực phải hiểu được những giới hạn quân sự của nước này và xây dựng chính sách riêng để tránh xảy ra kịch bản trên trong tương lai gần.

Trước đó, tờ Stars and Stripes dẫn lời Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ tại Nhật Bản John Wissler tuyên bố lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng đoạt lại Senkaku/Điếu Ngư nếu nhóm đảo bị tiến chiếm. “Chúng chỉ là nhóm đảo rất nhỏ”, tướng Wissler cho biết và nói thêm rằng không cần thiết phải cho quân đồn trú tại đây trừ phi cần phải loại bỏ các nguy cơ. Trên thực tế, mũi nam của quần đảo Ryukyu nằm cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 128 km về phía đông, và nơi đây đặt các căn cứ thủy quân lục chiến và không quân Mỹ. Điều này cho phép Lầu Năm Góc nhanh chóng can thiệp nếu tình hình chuyển biến xấu.

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn thông tin từ truyền thông Nhật mới đây nhận định PLA sẽ bị đánh bại nếu Mỹ quyết định đứng về phía Nhật. Theo phương hướng quốc phòng mới của Tokyo, một đơn vị đổ bộ gồm 3.000 binh sĩ sẽ được thành lập để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo cũng mua 52 phương tiện đổ bộ tấn công AAV-7 cùng các máy bay vận tải V-22 Osprey từ Mỹ để trang bị cho đơn vị đổ bộ. Tuy nhiên, một mình Nhật không đủ để đánh bại Trung Quốc nếu xung đột nổ ra. Truyền thông Nhật cho rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ triển khai 3 hạm đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải để phong tỏa Senkaku/Điếu Ngư và Tokyo rốt cuộc cần có sự hỗ trợ của Mỹ để chống trả.

Nếu Washington quyết định can thiệp, các cảng biển lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Hồng Kông và Đại Liên sẽ được phong tỏa bởi tàu ngầm của hải quân Mỹ. Với sự yểm trợ của Mỹ, Nhật sẽ triển khai Hạm đội hộ tống số 2 đóng tại Sasebo và Hạm đội hộ tống số 4 đóng tại Kure, bao gồm các tàu khu trục lớp Kongo, vốn đủ sức ứng chiến với các hạm đội của Trung Quốc. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ bị đe dọa bởi các tàu ngầm lớp Soryu và lớp Oyashio. Tuy nhiên, trong một bài viết khác về kịch bản chiến tranh Senkaku/Điếu Ngư trên trang The National Interest, chuyên gia Hugh White nhận định Trung Quốc cũng có nhiều lựa chọn để tấn công lực lượng Mỹ, Nhật. Các tàu ngầm và tên lửa Mỹ, Nhật có thể đánh chìm nhiều tàu chiến và tiêu diệt nhiều căn cứ Trung Quốc. Song các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc có thể gây nhiều thiệt hại cho những căn cứ Mỹ, Nhật.

 Thụy Miên

>> Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư thông qua đàm phán
>> Nhật Bản tố 2 tàu tuần duyên Trung Quốc lai vãng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật xây tiền đồn sát Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc, Nga chuẩn bị tập trận chung gần Senkaku/Điếu Ngư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.