Nhận xét đề thi môn văn khối C, D

10/07/2014 10:15 GMT+7

(TNO) Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Thanh Niên Online còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm.

(TNO) Sáng nay 10.7, thí sinh tiếp tục thi môn văn khối C, D kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014.

>> Gợi ý giải đề thi môn sinh khối B
>> Gợi ý giải đề thi môn sử khối C
>> Gợi ý giải đề thi môn tiếng Anh khối D

 
Ảnh: Ngọc Thắng

* Thí sinh nhận xét

Dự thi khối C vào Trường ĐH Luật TP.HCM, Thanh Phương (HS Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM), cho biết đề văn không khó nhưng rất lạ. Đề không có phần lựa chọn, cũng không rơi vào tác phẩm văn học lớn như mọi năm nên khiến nhiều TS bất ngờ. 

Tại điểm thi Trường THCS Khánh Hội A của HĐT Trường ĐH Luật TP.HCM, TS rời phòng thi khá đông sau 2/3 thời gian làm bài. Khởi Ngọc (HS Trường THPT Phan Thanh Giản, Bến Tre) cho biết suy nghĩ hoài không ra câu này nên ra sớm. Ngọc nói cách ra đề thi môn văn khối D khá lạ, em chưa làm quen dạng đề này.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Như (HS Trường THPT Đỗ Công Tường, Đồng Tháp) cho biết đề thi văn khối C năm nay lạ hơn so với đề năm trước. Câu 1 nằm ở phần học thêm, bài thơ “Đò lèn” của Nguyễn Duy tụi em không được học kỹ trong nhà trường.

 

TS Nguyễn Thị Mỹ Hằng (dự thi khối C, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết đề thi môn văn năm nay khó hơn năm trước, cả phòng thi ai cũng bất ngờ vì không nghĩ sẽ ra bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường...

TS Nguyễn Thị Thanh Liên (quê Tiền Giang, dự thi vào ngành báo chí - truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), nói:  Thầy em kể năm trước nhiều anh chị làm 4 tờ giấy thi, năm nay phòng em chỉ làm đến 2 tờ là không thấy ai xin tờ thứ 3 rồi. Em làm bài không được như mình mong muốn. (Ngọc Lê, ghi)

TS Trần Thị Ngọc Thuận thi vào ngành luật hình sự chia sẻ: Đề văn khối C vừa lạ, vừa khó, em chỉ làm được câu nghị luận xã hội...

TS Hồ Thị Kim Loan (HS Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) thi tại điểm Trường ĐH Quảng Nam, cho biết đề thi môn văn khối D năm nay khá nhẹ nhàng.

“Em làm tốt hầu hết các câu hỏi, nhất là phần luận, chỉ cần nằm chắc kiến thức đã học thì có thể làm bài tốt. Đề thi năm nay thú vị nhất là câu hỏi về nghị luận xã hội vì gần gũi với cuộc sống hằng ngày”, TS Kim Loan nhận định.

TS Ngọc Bảo (HS Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) dự thi khối D, khoa báo chí truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhận xét: Đề văn hay, như câu 1 (2 điểm) cho sẵn bài thơ và hỏi các ý xoay quanh bài thơ, chứ không hỏi lý thuyết yêu cầu học bài như các năm trước. Câu nghị luận xã hội thì cũng tương đối. Còn câu 3, yêu cầu bình luận về các nhận định xoay quanh hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca. Nhìn chung đề thi văn năm nay hay, em làm được khoảng trên 50% đề thi.

TS Khánh Hà (HS Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, ThừaThiên-Huế) thi khối D, khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: Đề thi văn năm nay em thấy hay nhưng hơi khó, em làm được khoảng 50% đề thi. Với riêng em, môn văn khó nhất trong 3 môn khối D. 

TS Nguyễn Tường Duy (HS Trường THPT Thực hành, Đắk Lắk) cho biết: Đề thi môn văn khối C vừa hay lại vừa khó. Câu II của đề thi em làm tốt vì em có cơ hội thể hiện được ý kiến bản thân vào bài làm.

TS Đặng Văn Quang (HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Gia Lai) dự thi Trường ĐH An ninh nhân dân, nói: Đề thi môn văn khối C năm nay khó hơn năm ngoái, em làm bài tạm được. Riêng câu II của đề thi có liên hệ đến vấn đề biển Đông nên em có thể làm bài theo quan điểm của riêng mình. 

TS Nguyễn Ngọc An (ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên), dự thi vào Khoa sư phạm văn, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng đề văn khối C năm nay hay và thú vị, TS ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách còn phải có kiến thức xã hội thì mới hoàn thành tốt được bài làm.

Thí sinh tranh luận về cống hiến và hưởng thụ

Đề thi văn khối D năm nay được thí sinh (TS) đánh giá là hay vì không có câu nào yêu cầu phải thuộc bài. 

Trong đó, câu nghị luận xã hội tiếp tục được TS thích thú. Đặc biệt là có 2 ý kiến trái chiều về quan điểm “cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”. 

Tại HĐT Trường THPT Ngô Quyền (địa điểm thi vào Trường ĐH Tài chính - Marketing), TS Bùi Thị Dung (Bình Thuận) cho rằng: “Đây là quan điểm của đa số giới trẻ ngày nay. Theo kiểu làm ra làm, chơi ra chơi. Làm hết mình và cũng hưởng thụ hết mình luôn. Ví dụ em có người chị cứ 6 tháng đi làm xong lấy tiền đó đi du lịch nốt 6 tháng còn lại. Năm nào chị cũng nhảy việc là vì thế. Em thì không đồng tình với cách sống này. Cống hiến hết mình nhưng hưởng thủ một phần thôi để còn lo cho gia đình, cho tương lai”. 

Nguyễn Thị Mỹ Duyên thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: “Trong bài viết của em, em không cho rằng đây là phương châm sống tích cực. Vì em nghĩ hưởng thụ là việc chúng ta biết làm cho mình vui, thoải mái bằng đồng tiền mình làm ra sau những ngày lao động, làm việc. Tuy nhiên, hưởng thụ tối đa là dùng hết toàn bộ thành quả của mình để ăn chơi lãng phí". 

Trong khi đó, TS Bùi Chí Dũng nêu ý kiến: “Em ủng hộ quan điểm này. Vì chúng ta đang sống trong thời hiện đại chứ không phải là thời xưa chỉ biết làm mà không biết nghỉ ngơi, hưởng thụ. Ông bà em hồi trẻ làm lụng cực nhọc có tiền nhưng không bao giờ dám ăn ngon, đi du lịch mà luôn tiết kiệm. Đùng một cái bà em bị cảm mất đột ngột không hưởng thụ được gì”. 

Nhiều TS ủng hộ thì cho rằng, tất nhiên muốn hưởng thụ tối đa thì bạn phải cống hiến hết mình trước đã. “Mỗi đối tượng có một sự cống hiến khác nhau. Nếu là học sinh thì phải học ra học, chơi ra chơi, học giỏi thì chơi mới vui. Nếu là người đã đi làm thì phải làm hết sức, rồi sau đó có thể đi du lịch để tận hưởng cuộc sống. Đừng bao giờ hưởng thụ trên đồng tiền, công sức của người khác mà phải tự mình làm ra mới xứng đáng”, TS Bùi Thúy Nga thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nêu quan điểm. (Mỹ Quyên, ghi)

(Hà Ánh - Hoài Nhơn - Minh Tâm - Hoàng Sơn - Lê Cầm - Thạnh Vạn - Tâm Ngọc, ghi)

** Giáo viên nhận xét

Thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên môn văn, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM):
Đề văn khối D hay, phân loại cao

Thầy Thuận cho rằng đề thi môn văn khối D nhìn chung hay và có tính phân loại cao. Câu 1 dễ vì là dạng quen từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Câu 2 đề ra phù hợp với lối sống hiện tại của học sinh, nhưng sẽ là câu có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Câu 3 rất hay nhưng sẽ ít TS làm được, lý do quan trọng là TS không thuộc thơ để làm.

Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn văn, Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM):
Đề văn khối C yêu cầu kỹ năng đọc hiểu cao

Theo thầy Hùng, đề thi khối C môn văn có điểm mới ở câu 1 khi yêu cầu rất cao TS về kỹ năng đọc hiểu và tích hợp các kỹ năng trình bày. Câu hỏi không khó nhưng lấy điểm trọn vẹn thực sự rất khó khăn.

Câu nghị luận xã hội không khó lắn nhưng nếu TS vận dụng được tình hình thời sự biển Đông sẽ đạt điểm cao. Câu 3 yêu cầu của đề dễ nhưng lại rơi vào tác phẩm khó phân tích nên nhiều TS sẽ không viết được nhiều. (Hà Ánh, ghi).

Thầy Nguyễn Đức Thạch, giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận:
Đề thi văn vừa sức, phân loại được TS

Thầy Thạch nhận xét đề thi văn có độ khó vừa phải, đồng đều cả hai khối C và D.

Ở khối C, câu 1 là câu giúp học sinh dễ có điểm, học sinh trung bình vẫn có thể lấy được 1,5 - 2 điểm. Câu 2, đề văn khối C ra rất khéo, vừa giúp học sinh tự nhận thức để điều chỉnh lối sống, cách ứng xử vừa mở ra vấn đề nóng của đất nước để các em bày tỏ ý kiến.

Đề văn khối D thì đòi hỏi tư duy phản biện cao hơn đề khối C. Tuy nhiên, những học sinh nắm vững nguyên tắc làm bài nghị luận xã hội cũng không khó để nhận ra chỗ cần "điều chỉnh" trong ý kiến được dẫn.

Câu 3 của cả hai đề thi môn văn C và D đều cùng một "kiểu bài". Dạng đề này có thể đánh giá khá tổng quát năng lực của TS: hiểu biết về tác phẩm, tu duy so sánh, tổng hợp, kỹ năng trình bày và cả "bản lĩnh" khi đánh giá các ý kiến được nêu.

Hai ý kiến trong đề văn khối C mang tính bổ sung cho nhau, còn hai ý kiến ở đề khối D có độ lệch pha với nhau tương đối lớn. Học sinh cần tỉnh táo để phản bác phần cực đoan của ý kiến 2.

Đề thi nhìn chung vừa sức TS, câu 2 và 3 đều có khả năng phân loại, không đánh đố.

Dự đoán, số TS đạt điểm 5-7 sẽ nhiều (Lê Cầm, ghi).

Thấy Lê Minh Tân, giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM):
Đề cao kỹ năng, thoát khỏi lối học thuộc lòng

Về đề thi môn văn khối C và D năm nay, Thầy Tân cho rằng đề thi hướng đến và nâng cao kỹ năng của học sinh.

Ở phần đọc hiểu văn bản thì cả hai đề đều đề cập đến các vấn đề cơ bản, TS đều có thể hoàn thành một cách nhẹ nhàng.

Ở câu nghị luận xã hội, TS của cả hai khối cần nắm vững kiến thức xã hội, biết tích hợp kiến thức trong khi làm bài.

Khác với những năm trước, câu nghị luận văn học không dừng lại ở mức độ học sinh học thuộc, trúng tủ khi phân tích tác phẩm mà cần phải có kỹ năng, phân tích, tổng hợp. Trên cơ sở đó, thí sinh phản biện hay đồng tình với lập luận chặt chẽ đối với ý kiến đưa ra trong đề. (B.Thanh, ghi).

*** Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Thanh Niên Online còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm (những nhận xét này chỉ có tính chất tham khảo).

Sau khi kết thúc môn thi này, Thanh Niên Online sẽ cập nhật đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT

Lịch thi ĐH đợt 2, ngày 9-10.7, khối B, C, D và các khối năng khiếu

Ngày

Buổi

Môn thi

Khối B

Khối C

Khối D

Ngày 8.7

Sáng: từ 8 giờ

Làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của TS

Ngày 9.7

Sáng

Toán

Địa lý

Toán

Chiều

Sinh học (*)

Lịch sử

Ngoại ngữ (*)

Ngày 10.7

Sáng

Hóa học (*)

Ngữ văn

Ngữ văn

Chiều

Dự trữ

 

* Thời gian làm bài của mỗi môn thi tuyển sinh:
+ Các môn thi tự luận: 180 phút
+ Các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm (*): 90 phút.

Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.