Liên hoan Piano quốc tế VN sẽ... biến mất ?

14/07/2014 03:00 GMT+7

Theo chu kỳ hai năm một lần, tháng 9 tới đây Liên hoan Piano quốc tế VN lần thứ 3 sẽ diễn ra. Tuy nhiên, liên hoan không được tổ chức do thiếu tiền!

Thí sinh Jitsukawa Asuka (Nhật Bản) - giải nhất bảng C trong Liên hoan Piano quốc tế VN lần thứ hai - Ảnh: Ngọc Thắng
Thí sinh Jitsukawa Asuka (Nhật Bản) - giải nhất bảng C trong Liên hoan Piano quốc tế
VN lần thứ hai - Ảnh: Ngọc Thắng
 

Cách đây 4 năm, Học viện m nhạc quốc gia đã tổ chức Liên hoan Piano quốc tế lần thứ nhất. Đây được coi là một “kỳ tích” cho nền âm nhạc trong nước. Bởi mãi đến tận thời điểm đó, VN mới có được một cuộc thi âm nhạc hàn lâm mang tầm vóc quốc tế đúng nghĩa (từ chất lượng giám khảo, thí sinh, cách thức thi). Một trong những người có công đầu để liên hoan diễn ra tại VN là NSND Đặng Thái Sơn.

 

Mới đây thôi, lễ hội truyền thống Bình Đà đã chi tiêu thoải mái kiểu như vậy. Trong khi việc làm mới lễ hội, biểu diễn tại lễ hội đó theo tôi lại không phù hợp với truyền thống. Có những chi tiêu bất hợp lý như vậy thì lại không có khoản chi cho các cuộc thi nghệ thuật xứng đáng

GS Ngô Đức Thịnh

Tất nhiên, lúc đầu không phải là không có những nghi ngại về mức độ thành công của một liên hoan “sinh sau đẻ muộn”, nhất là khi trên thế giới đã có khoảng 600 liên hoan kiểu như vậy. Nhưng ngay mùa đầu tiên, liên hoan đã tạo được uy tín khi được lựa chọn nằm trong hệ thống AFT (Alink Argerica Foundation) quảng bá về các cuộc thi âm nhạc khắp toàn cầu. Thế mà chỉ mới qua hai mùa, liên hoan đã buộc phải... dừng lại.

Do thiếu tiền tổ chức

Nguyên nhân được Giám đốc Học viện m nhạc quốc gia, PGS-TS Lê Văn Toàn giải thích ngắn gọn: “Kinh tế đang khó khăn, chúng tôi không có tiền để tổ chức”. Còn người đã góp công gây dựng liên hoan, GS Trần Thu Hà giọng trầm xuống khi được hỏi: “Chúng tôi không biết xin đâu tài trợ”. Cái khó này đã được nhìn thấy từ trước, ngay từ khi Học viện m nhạc quốc gia tổ chức bằng cách tự vận động, dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa.

Sau mùa đầu tiên suôn sẻ, đến mùa thứ hai, liên hoan đã suýt phải hủy vì không có kinh phí tổ chức. Khi đó, PGS-TS Tạ Quang Đông, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại - Học viện m nhạc quốc gia, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin tài trợ. Cánh cửa khó khăn mà trước đó ai cũng ngại chạm đến cũng đã được nghĩ tới: ngân sách nhà nước, nhưng không có câu trả lời nào đáp lại. Cuối cùng, liên hoan được “cứu” nhờ các nhà hảo tâm là một ngân hàng, một số đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài... Sau hai năm, việc tìm kinh phí trở nên... bất lực với nhà tổ chức. Và quyết định khó khăn cũng phải đưa ra: liên hoan sẽ không được tổ chức vì không thể đào đâu ra 1,2 tỉ đồng.

“Đừng bao giờ bế quan tỏa cảng âm nhạc. Đó là điều quan trọng nhất”, NSND Đặng Thái Sơn từng chia sẻ. Thế nhưng khi chưa kịp vui với “kỳ tích” của âm nhạc cổ điển trong nước thì mọi thứ đang chuẩn bị tan biến. “Thế giới đã tiến rất xa, chúng ta càng đi chậm thì lại càng bị tụt lại phía sau. Chúng tôi rất muốn có thể duy trì được liên hoan”, PGS-TS Tạ Quang Đông mong mỏi.

“Bớt chút vung tay là dư tiền tỉ”

Trên thế giới, để nền âm nhạc hàn lâm phát triển luôn cần sự hỗ trợ của nhà nước hay các nhà hảo tâm là các tập đoàn kinh tế. Họ hỗ trợ kinh phí cho các liên hoan, sự kiện âm nhạc, hay hoạt động của dàn nhạc giao hưởng. Theo NSND Hà Mạnh Chung, Phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, chẳng riêng gì các cuộc thi piano quốc tế mà các cuộc thi opera cũng khó khăn không kém. Những cuộc thi opera cũng rất lâu mới được tổ chức một lần, quy mô nhỏ, nghệ sĩ tự túc là chính.

Về nguồn đầu tư bổ sung cho các cuộc thi âm nhạc cổ điển, theo Thạc sĩ quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành: “Nếu nhà nước không có điều kiện đầu tư thì cũng nên mở đường cho các doanh nghiệp đầu tư văn hóa. Chẳng hạn, các doanh nghiệp được miễn giảm thuế nếu có bảo trợ cho các hoạt động văn hóa như vậy”.

Trong khi đó, GS Ngô Đức Thịnh lại so sánh kinh phí thiếu để tổ chức các cuộc thi âm nhạc cổ điển này với những lần “vung tay quá trán” khi tổ chức các lễ hội tiền tỉ và cho rằng chỉ cần “bớt chút vung tay là dư nhiều lần 1,2 tỉ đồng” cho nghệ thuật thực sự. “Mới đây thôi, lễ hội truyền thống Bình Đà đã chi tiêu thoải mái kiểu như vậy. Trong khi việc làm mới lễ hội, biểu diễn tại lễ hội đó theo tôi lại không phù hợp với truyền thống. Có những chi tiêu bất hợp lý như vậy thì lại không có khoản chi cho các cuộc thi nghệ thuật xứng đáng”, ông Thịnh bức xúc.

Lãng phí trong tổ chức lễ hội

Ông Ngô Văn Minh, khi là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam từng phát biểu: “Không quản lý tốt việc tổ chức lễ hội dẫn tới tình trạng phát triển tràn lan. Hầu như tỉnh nào mỗi năm cũng có 2 - 3 lễ hội trong khi có những nội dung, sự việc không cần thiết phải như thế, không cần phải huy động tới hàng nghìn người. Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận, chính các đại biểu Quốc hội cũng phản ứng”.

Theo con số thống kê của Bộ VH-TT-DL cả nước hiện có 8.000 lễ hội, trong đó riêng lễ hội lịch sử cách mạng (do nhà nước tổ chức) là 332. 

Minh Ngọc - Trinh Nguyễn

 >> Việt Nam giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế tại Ý
 >> Linh Chi đại diện Việt Nam thi piano quốc tế 2014
 >> Thiên tài piano
 >> NSND Đặng Thái Sơn tham gia Festival Piano quốc tế lần 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.