Sáu tháng đầu năm, xăng dầu đã 5 lần tăng giá và đang ở mức cao kỷ lục. Có thể nói, “sức khỏe” doanh nghiệp gần như kiệt quệ sau những “cú sốc” như thế.
|
Chi phí đầu vào tăng mạnh
|
Ông Phan Anh Sơn, chủ một doanh nghiệp (DN) may gia công hàng xuất khẩu cho khách hàng lớn ở Mỹ hơn một năm nay, có nhà xưởng đặt tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM), tính toán: Riêng ủi sản phẩm, chưa tính năng lượng dùng cho các máy sấy, hấp... để tạo ra một tấn hơi nước cho dây chuyền ủi, mỗi ngày công ty phải đốt ít nhất 700 lít dầu. Với mức tăng 270 đồng/lít dầu diesel vào lần gần đây nhất là ngày 7.7, trung bình mỗi dây chuyền ủi của công ty gánh thêm chi phí 200.000 đồng.
“Chúng tôi có trên chục dây chuyển ủi và số lượng dây chuyền hấp sấy sản phẩm cũng tương đương. Chưa tính chi phí vận tải sẽ tiếp tục tăng, chi phí sản xuất chúng tôi tăng ít nhất 3 - 5%, bao gồm năng lượng sử dụng tại nhà máy và nguyên liệu đầu vào tăng giá do ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu”, ông Sơn nói.
Cũng nằm trên địa bàn Q.Thủ Đức, đại diện xưởng sản xuất chai nhựa Bình Nguyên, chuyên cung cấp chai nhựa cho các công ty sản xuất dầu ăn, cho rằng đợt tăng giá xăng dầu vừa qua của Bộ Tài chính mang tính chất “đánh úp” DN, nhất là DN nhỏ như của ông. “Chúng tôi thực hiện các hợp đồng mua dầu dùng cho các lò hơi với số lượng ít nên hầu như không có những hợp đồng dài hạn, những cam kết giữ giá ưu đãi như các DN lớn. Vì thế, đợt tăng giá xăng dầu này chúng tôi bắt buộc phải chạy theo giá mới. Trước mắt, hợp đồng mua dầu đốt cho mấy tháng tới đây chúng tôi phải trả thêm khoảng 90 triệu tiền chênh lệch. Đây là một bài toán quá khó để DN nhỏ chúng tôi vừa duy trì sản xuất vừa gồng mình giữ giá nhằm có khách hàng”, bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất vỏ chai nhựa Bình Nguyên, bộc bạch.
Đại diện Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành cũng chia sẻ việc tăng giá xăng dầu vừa qua làm khó DN vừa và nhỏ sử dụng dầu trong sản xuất nhiều hơn. “Dầu véc ni dùng để đánh bóng sản phẩm của công ty có sử dụng phụ liệu dầu. 5 ngày sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, chúng tôi chưa nhận được phản hồi sẽ tăng giá dầu do công ty thực hiện các hợp đồng mua dầu dài hạn với những cam kết về giá với nhà cung cấp. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao đồng loạt trong đợt vừa rồi cũng đã gây khó cho DN rồi”, vị này nói.
Không chỉ đối diện với chi phí sản xuất tăng đột biết, nhiều DN đang lo ngại đợt tăng phí vận chuyển sẽ xảy ra trong thời gian tới. Tiếp xúc với chúng tôi, đa số các DN phản ánh với đợt tăng giá vận chuyển trong chiến dịch chấn chỉnh tải trọng xe của Bộ GTVT, giá cước đã tăng mạnh. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (thương hiệu nước giải khát Bidrico), cho biết đã có DN tăng gần 100% phí vận tải bằng đường bộ trong mấy tháng qua. “Mức tăng thấp nhất cũng là 60%. Chẳng hạn, mỗi tấn trước đây họ chở với công chưa tới 800.000 đồng, nay lên 1,2 triệu đồng. Với mức tăng giá xăng dầu mới này, chúng tôi dự báo giá vận chuyển sẽ tiếp tục leo thang”, ông Hiến nhận định.
DN bị bồi thêm cú đấm
|
Chi phí sản xuất tăng đột ngột, chi phí vận chuyển dự báo sẽ tăng nhưng không thể tăng giá bán, nhiều DN đang bị ép kiệt quệ. Theo đại diện Gỗ Đức Thành: “Không thể tăng giá, phải hết sức kìm giá để giữ thị trường. Bởi sức mua hiện vẫn còn yếu quá”. Còn Tổng giám đốc Vissan, ông Văn Đức Mười lắc đầu: “Không DN nào dám tăng giá lúc này. Hiện tại thị trường đang có hai vấn đề, đó là sức mua còn hạn chế nên hàng tồn kho vẫn còn cao trong khi lợi nhuận giảm nhiều sau các đợt tăng giá xăng dầu này khiến DN rất khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra đầu năm nay”. Ông Mười cũng cho biết, cùng với chi phí tăng thêm của đợt tăng giá vận tải vừa qua, chi phí giá dầu phục vụ sản xuất tăng sẽ đè lợi nhuận của công ty giảm khoảng 5%.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bức xúc: “Sức đề kháng của DN hiện tại khá yếu, sức mua quá thấp. Việc tăng giá xăng dầu lúc này như bồi thêm một “cú đấm” để làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng luôn. Điều này có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe của DN, từ đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế”. Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dùng từ “bắt nạt” người tiêu dùng của các DN kinh doanh xăng dầu khi nói đến giá xăng dầu tiếp tục tăng. “Phải có cuộc cải cách mạnh để sắp xếp lại hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo vệ người dân trước mắt và chính là bảo vệ nền kinh tế của đất nước. Giá xăng dầu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng cũng như giá thành các sản phẩm kinh doanh khác. Nếu chúng ta cứ thả lỏng thế này, sức cạnh tranh của DN sẽ ảnh hưởng và từ đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế”, bà Lan nhấn mạnh.
Nguyên Nga
>> Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp 'gồng mình' giữ giá cước
>> Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá xăng, dầu
>> Doanh nghiệp không được tăng giá xăng, dầu
>> Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư gần 170 tỉ đồng
>> 6 doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn giá xăng dầu
>> Tính giá xăng dầu sao cho dân được lợi
Bình luận (0)