60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 4: Dòng sông lịch sử

17/07/2014 03:00 GMT+7

Đêm 20.7.1954, định mệnh của lịch sử đã gọi tên dòng sông Bến Hải. Con sông chỉ dài 100 km, còn có tên là sông Minh Lương hay Rào Thanh bắt nguồn từ đỉnh Động Châu của dãy Trường Sơn băng qua những cánh rừng đại ngàn đến cầu đường sắt Tiên An thì đi giữa đồng bằng của hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) rồi đổ ra biển tại Cửa Tùng.

60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 4: Dòng sông lịch sử

Cầu Hiền Lương, ảnh chụp năm 1965 - Ảnh: Tư liệu

Dòng sông chảy qua những địa danh nổi tiếng như nhà dòng Phước Sơn mà ở đó có cả một thư viện đồ sộ gắn liền với tên tuổi nhà truyền giáo Cadière, ông cũng là nhà ngôn ngữ học có nhiều công trình nghiên cứu về tiếng Việt, qua nhà thờ Di Loan cổ kính và bãi tắm Cửa Tùng nơi nghỉ của Bảo Đại được xem là bà hoàng của các bãi biển, qua những hàng dừa xanh ở thôn Tùng Luật và cánh rừng đước ở Di Loan mà sau này người dân Vĩnh Linh xem đó là hình ảnh của miền Nam nằm trong lòng miền Bắc (trừ bãi tắm Cửa Tùng còn lại các địa danh nói trên đã bị các pháo đài bay B52 của Mỹ san phẳng).

Nhân dân hai miền Nam - Bắc với niềm tin sông Bến Hải chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Thế mà định mệnh lịch sử kéo dài 21 năm trời với biết bao hy sinh to lớn của cả dân tộc mới nối liền được nhịp cầu Hiền Lương.

Sau hiệp định Genève, đặc khu Vĩnh Linh được thành lập với toàn bộ huyện Vĩnh Linh và xã Hướng Lập của huyện Hướng Hóa ở phía tây Trường Sơn nằm trên thượng nguồn sông Sê Băng Hiêng. Và cũng từ đó với khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước được nung nấu ở mảnh đất này đến tột độ, lũy thép Vĩnh Linh được hình thành đương đầu với cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ đi suốt cuộc trường chinh 21 năm trời ấy.

Dòng sông Bến Hải vẫn lặng im trôi giữa hai bờ nam - bắc, vẫn một dòng nước trong xanh muôn thuở. Nhưng ở phía nam ngày ngày hàng rào dây thép gai lấn dần ra sát bờ sông dồn dân lập ấp chiến lược và đồn bốt mọc lên như nấm. Làng Trung Lương xưa sầm uất là thế mà bây giờ đồng ruộng hoang phế không bóng người. Hàng rào điện tử McNamara bắt đầu từ đồi Cát Sơn ven biển đi qua các cứ điểm Dốc Miếu Cồn Tiên kéo dài đến tận dãy Trường Sơn. Một chiến lũy quân sự với những thành tựu khoa học điện tử hiện đại nhất, với hệ thống lớp lớp dây thép gai và bom mìn dày đặc chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới. Một lực lượng lớn quân Mỹ đồn trú trên căn cứ này, một hệ thống pháo dàn hàng ngang hướng sang bờ bắc.

“Vợ tôi đang ngồi giặt bên sông đấy”

Trong lúc đó ở Vĩnh Linh là một công trường kiến thiết hòa bình, vốn là vùng đất gió Lào cháy bỏng nên thủy lợi được xem là công việc ưu tiên hàng đầu.

Tôi là kỹ sư xây dựng thủy lợi thuộc những lớp đầu của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được điều động vào công tác ở Vĩnh Linh từ năm 1962 và bám trụ ở mảnh đất này cho đến ngày thống nhất 30.4.1975.

Có lần, khi khảo sát để xây dựng hệ thống đê ngăn mặn dọc sông Bến Hải từ Hiền Lương đến Tùng Luật (dài khoảng 29 km), chúng tôi vừa quay máy kinh vĩ sang bờ nam, anh Biền, một cán bộ kỹ thuật lạc hẳn giọng nói với tôi: “Anh ơi vợ tôi đang ngồi giặt bên sông đấy” và như chị nhận ra anh trước, chúng tôi thấy chị cứ vò mãi chiếc áo, ngước vội nhìn sang và gạt nước mắt. Anh Biền cứ run bần bật vì cuộc gặp bất ngờ trong nỗi đau chia ly đến tột cùng. Sự xúc động làm cả nhóm chúng tôi chẳng làm gì được, tôi cứ để anh đứng máy lia sang bờ nam để nhìn rõ chị hơn. Hình như có động chị vội lên bờ mà cảm như chân không chạm đất, một viên cảnh sát ra chặn đường như xét hỏi dọa nạt gì đó rồi cho chị đi. Cả nhóm khảo sát chúng tôi ngồi lặng đi. Không ai nói một câu nào, quê anh ở làng Xuân Mỵ chỉ cần một cái đẩy sào nhẹ là thuyền sang đến bến, vậy mà gần mười năm rồi vợ chồng không gặp mặt nhau. Nỗi đau chia cắt bên dòng sông Bến Hải hằng ngày hằng giờ cứ diễn ra như vậy.

Cuộc chiến đấu ở Vĩnh Linh ngày càng ác liệt, T.Ư quyết định sơ tán ba vạn học sinh và người già ra các tỉnh ngoài bắc. Hơn bốn vạn người còn lại bám trụ sản xuất và chiến đấu. Cả Vĩnh Linh là một công trường đào chiến hào dựng hầm chống bom, đào địa đạo. Toàn bộ sinh hoạt chuyển xuống lòng đất, điển hình là làng địa đạo Vịnh Mốc. Ở lại Vĩnh Linh là chiến đấu rồi, nhưng vừa chiến đấu vừa sản xuất mới làm nên bản sắc nhân văn của cuộc chiến đấu này, mới nói hết nỗi khát vọng thống nhất Tổ quốc của người dân sống ở vùng giới tuyến.

Hình ảnh mẹ Diệm ở làng Hiền Lương nơi có cột cờ bất diệt của Tổ quốc, ngồi cạnh cửa hầm chữ A lấy chút ánh sáng cho đường kim mũi chỉ miệt mài vá cờ, lá cờ bị bom đạn và gió mưa làm rách vừa hạ xuống thì lá cờ vừa vá xong lại kéo lên. Nguyệt, con gái mẹ súng khoác trên vai cùng với cả đội sản xuất bám đồng ruộng giành giật từng mét vuông đất tạm còn nguyên vẹn để cấy lúa dưới tầm đại bác của địch. Và trong lửa đạn ác liệt ấy, tình yêu của Nguyệt đã gắn bó cả cuộc đời với anh cán bộ kỹ thuật mà cơ quan tôi cử xuống bám trụ ở HTX Hiền Lương. Sức mạnh nào để những con người bình dị ấy bám trụ, thản nhiên trước sự hy sinh có thể ập đến bất cứ lúc nào để chắc tay súng vững tay cày đến thế, đó là sức mạnh của khát vọng quyền được sống trong hòa bình thống nhất độc lập tự do của Tổ quốc và gắn bó máu xương với Quảng Trị quê hương.

Nguyễn Ty Niên
(Nguyên đảng ủy viên Đảng ủy Đặc khu Vĩnh Linh, Trưởng ty Nông nghiệp thủy lợi)

>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 1: Trung Quốc ngỏ lời 'đi đêm' với Pháp
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 2: Lịch sử thế giới đứng lại 2 giờ 45 phút
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 3: Gặp người còn sống cuối cùng của phái đoàn tham dự hội nghị Genève

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.