Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng (Hà Quảng) có sản lượng tiệu thụ điện hàng tháng từ 60.000-70.000 kWh và chi phí tiền điện từ 100 triệu đến 125 triệu đồng. 2013 là năm kinh tế thế giới suy giảm, ngành dệt may cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nhưng Hà Quảng vẫn phát triển ổn định, giữ vững được thị trường tiêu thụ. Dự kiến trong năm 2014, doanh thu của Hà Quảng là 3,95 triệu USD, thu nhập bình quân 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Đạt được kết quả đó là nhờ Hà Quảng đã chủ động hợp lý hoá quy trình sản xuất, thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact, đổi mới toàn bộ máy may điện tử theo dạng cơ động, tiết kiệm được 25% điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, Hà Quảng còn áp dụng các sáng kiến cải tiến đầu tư thiết bị mới, làm tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư nguyên phụ liệu và giảm thời gian sản xuất; tiết kiệm điện bằng cách dùng lò đốt than đưa hơi nước lên cho công đoạn là. Xung quanh tường bao của Xí nghiệp đều được lắp đặt dàn làm mát tự động phun sương và quạt vào trong xưởng sản xuất, mùa hè nhiệt độ lên đến 30 độ C mới được dùng điều hòa…
Chính nhờ sự cải thiện bằng các biện đó, năm 2010 Hà Quảng giảm được chi phí của sản phẩm tới 30%, đến năm 2013 đã giảm được chi phí cho sản phẩm lên đến 37%; năng suất lao động bình quân toàn xí nghiệp đạt 16,62 USD/lao động, tăng 6,8% với cùng kỳ. Riêng năng suất lao động khu vực may đạt bình quân 25,8 USD/đầu máy, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hoài Thanh, nhân viên hệ thống dây chuyền sản xuất của xí nghiệp, cho biết: “Việc tiết kiệm điện được xí nghiệp chúng tôi quán triệt triệt để đến cán bộ công nhân viên lao động nhằm giảm sản xuất trong giờ cao điểm, phấn đấu nâng cao sản lượng, đảm bảo chất lượng, nhưng mỗi ngày chỉ làm tám tiếng, không làm ca hai. Khối văn phòng được lắp đặt toàn bộ hệ thống vách ngăn bằng kính nhằm lấy ánh sáng mặt trời giảm thiểu tối đa sử dụng điện để tiết kiệm điện cho sản xuất”.
Ông Nguyễn Trường Tiêu, Giám đốc xí nghiệp Hà Quảng chia sẻ thêm: “Ngành điện trong thời gian gần đây đã có những thay đổi sâu sắc trong phục vụ, đổi mới trong công tác vận hành, đã đi sát hơn với các kế hoạch sản xuất của từng đơn vị trên địa bàn tỉnh. Khi có sự cố mất điện, cắt điện đều có thông báo bằng điện thoại, giúp chúng tôi có thể chủ động được sản xuất, vì mất điện 1 giờ thì sẽ mất 1.100 giờ làm việc, mất 80 công, thiệt hại rất lớn cho xí nghiệp”.
Ông Tiêu kể lại kỷ niệm năm 2013, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai trận bão số 10 và 11, hệ thống điện của toàn tỉnh bị tê liệt, xí nghiệp mất điện tới 8 ngày. Hệ thống cột đường điện cao áp đều bị đổ hết, qua 8 ngày nước vẫn ngập ngang ngực công nhân, có những cột vừa dựng xong lại bị đổ ngay. Mặc dù vậy, ngành điện đã huy động lực lượng công nhân ở nhiều tỉnh khác đến ứng cứu, thi công trong đêm trên công trường để khắc phục bằng được sự cố. “Tôi đã ra tận hiện trường cùng các anh thi công nhằm động viên, khích lệ tinh thần, nhờ vậy xí nghiệp đã nhanh chóng được cấp điện trở lại và đảm bảo tiến độ trả sản phẩm cho khách hàng”, ông Tiêu nói. (Thanh Hòa)
Nguồn: EVN
Bình luận (0)