Bạo hành trong những cặp đồng tính nữ

21/07/2014 03:00 GMT+7

Lần đầu tiên, một buổi tọa đàm về tình trạng bạo hành trong quan hệ nữ yêu nữ mà những người tham gia phần lớn là người trong cuộc, đã diễn ra công khai vào chiều 19.7.


Tham gia buổi tọa đàm phần lớn những người đồng tính nữ - Ảnh: Như Lịch 

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Viet Pride 2014 của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (kéo dài từ ngày 18 - 21.7 tại TP.HCM).

“Liên tục và dày đặc”

Trước câu hỏi khơi mào: “Nữ với nữ yêu nhau có chuyện bạo hành không?”, có khá nhiều cánh tay giơ lên. Quách Minh Châu, một đồng tính nữ (les) và là diễn giả trong buổi tọa đàm, thẳng thắn nhìn nhận: “Bạo hành lẫn nhau một cách liên tục và dày đặc, nhưng nhiều khi không biết đó là... bạo hành”.

Minh Châu nói thêm: “Tình trạng bạo hành trong đồng tính và dị tính gần như giống nhau, nhưng lý do thì có thể khác”. Cô gái này nêu dẫn chứng: Với những cặp dị tính, khi người nữ đi gặp người nam khác thì có thể bị nghi ngờ ngoại tình. Nhưng đối với les, khi gặp bạn bè (nam lẫn nữ) đều dễ bị nghi ngờ có ngoại tình.

Nhiều người khẳng định có ba loại bạo hành xảy ra trong những cặp đồng tính nữ: bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần và bạo hành tình dục. Trong đó, bạo hành về tinh thần thường gặp nhất, với những biểu hiện: bạo hành ngôn ngữ (nói nhiều, chửi mắng...); gây áp lực tâm lý; cô lập, kiểm soát; phong tỏa kinh tế; định chuẩn hóa bản thân...

Một bạn tên Ngọc thừa nhận: “Nhiều người giống như tui có sự nhầm lẫn giữa bạo hành với tình yêu. Lâu nay cứ nghĩ rằng vì thương nên tui mới làm vậy!”.

Hai lớp rào cản

Đề cập đến hệ lụy từ nạn bạo hành, diễn giả Minh Châu khẳng định dù là nạn nhân hay thủ phạm, thì cả hai đều như đang ở trong cơn lốc xoáy. Họ đều bị căng thẳng, tổn hại đến sức khỏe và tinh thần...

“Điều khủng khiếp nhất là nó đeo đẳng dai dẳng, ảnh hưởng đến quãng đời phía sau và ảnh hưởng đến tất cả những lĩnh vực khác”, Minh Châu nhận xét.

Một người les tên Quỳnh bổ sung: “Từ một nạn nhân trước đó có thể trở thành thủ phạm bạo hành sau này. Đó là một vòng luẩn quẩn”.

Đáng tiếc, giải pháp đưa ra trong buổi tọa đàm còn khá ít ỏi. Theo đa số ý kiến, điều cần thiết là hai bên phải ngồi lại nói chuyện với nhau để tháo gỡ mâu thuẫn. Trong khi đó, Quách Minh Châu cho rằng: “Cần phải thay đổi góc nhìn, phải nhìn nhận là cả hai người trong cuộc đều là nạn nhân. Sự thương hại không đủ sức khởi động bất cứ điều gì”.

PV Thanh Niên đặt câu hỏi: “Khi bị bạo hành, nạn nhân trong các cặp đồng tính có đi trình báo cơ quan chức năng?”. Một cô gái có tên hiệu pt27122011 lắc đầu: “Tâm lý bị đè nặng gấp đôi, nên chúng tôi sẽ không trình báo đâu. Chúng tôi không biết giải thích thế nào về mối quan hệ của mình với người lạ. Cho nên, chủ yếu là tự giải quyết hoặc có một số người bạn trong giới tư vấn giúp”. Đồng tình với chia sẻ này, Quách Minh Châu thừa nhận: “Những nạn nhân đồng tính thường chịu hai lớp rào cản tâm lý. Lớp thứ nhất là quan niệm “xấu chàng hổ ai” như những người dị tính. Lớp thứ hai là do rào cản tự thân người đồng tính tạo ra hoặc do sự kỳ thị của xã hội”.

Theo Quách Minh Châu, từ buổi tọa đàm này, nhiều người đồng tính nữ tham dự sẽ giật mình nhận ra rằng, họ từng gây ra hành vi bạo hành hoặc bị bạo hành ít nhất một lần trong thời gian qua.

Như Lịch

>> Giả đồng tính nữ để cưỡng đoạt tài sản
>> Phim về đồng tính nữ thất bại ở giải Cesar
>> Kịch về đồng tính nữ
>> Người giấu mặt: Chia tay thí sinh đồng tính nữ gây sốc
>> Phim đồng tính nữ VN dự LHP Tài liệu ASEAN
>> Đám cưới đồng tính nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.