Hang thiêng ở Chư Tao Yang
|
Ngọn núi Ba Hòn, người Jrai gọi là Chư Tao Yang, sừng sững với những tảng đá lớn, như có một thế lực siêu nhiên chủ ý xếp chồng lên nhau, tạo nên cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ. Rặng núi đá dài với những tàn cây dày phủ bóng. Sở dĩ có tên đó bởi trên núi có ba hòn đá lớn, nặng đến vài chục tấn mỗi hòn, xếp chồng vào nhau tạo thành một cái hang. Sau những cuộc dời làng, cư dân Plei Ơi đã chọn một khoảnh đất bằng phẳng dưới chân núi Ba Hòn, thuộc xã Ayun Hạ, H.Phú Thiện (Gia Lai), làm nơi định cư.
Trong cái hang trên núi, ngày trước có để một thanh gươm. Anh Rmah Thuyn, cư dân của Plei Ơi, cho biết: “Những đứa nhỏ như mình mỗi lần chăn bò cũng hay bỏ đi chơi. Nhưng khi bò vào khu vực núi này để kiếm cỏ là cả đám phải chạy nhanh tới lùa bò đi chỗ khác”.
Từ một thực thể vô tri, núi Ba Hòn trở thành một biểu tượng tâm linh đối với cư dân Plei Ơi và các làng lân cận. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trong một nghiên cứu của mình đề cập: “Hầu hết các tộc người ở Tây nguyên, Lào và Campuchia đều biết đến Pơtao Apuih… Họ tin rằng nhờ có sức mạnh của Thần Gươm ẩn trong chiếc gươm thần do các Pơtao Apuih truyền đời lưu giữ mà các Pơtao Apuih có rất nhiều khả năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng chuyển hạn thành mưa”.
Theo nhiều người già ở Plei Ơi, mỗi dịp dời làng là phải chuyển gươm. Đó cũng là ngày lễ trọng của làng khi “Vua lửa” làm lễ chuyển gươm. Người làng chuẩn bị sẵn heo, gà, rượu để cúng, xin thần gươm theo người dân về làng mới, phù hộ cho họ an bình, no ấm. Hay mỗi năm, sau những ngày mùa, khi lúa đầy kho, những ghè rượu cũng đã được làm sẵn để chuẩn bị cho lễ rửa gươm. Trải qua hàng trăm năm, thanh gươm vẫn còn ở Plei Ơi như là một linh vật, theo bước chân của cộng đồng bản địa nơi đây.
Ngày dời làng về sát núi Ba Hòn, thanh gươm cũng được đặt trang trọng trong một hốc núi. Chỉ có già làng và những người có uy tín, “Vua lửa” và phụ tá mới có dịp nhìn thấy thanh gươm này. Mãi sau này, thanh gươm mới được đưa về trong khuôn viên nhà “Vua lửa”, được người làng cất chòi riêng để “ở”, thỉnh thoảng mới được đưa ra trong các lễ cúng lớn”.
Hớ hênh gươm quý
Theo tài liệu nghiên cứu, tập quán canh tác phổ biến của người bản địa ngày trước là phát, đốt, chọc, tỉa, mưu sinh qua những vùng rừng rậm. Và theo sự tiến hóa, văn hóa đồ đồng xuất hiện ở miền trung du khá sớm, trong khi đối với người bản địa, họ vẫn đang dùng cuốc gỗ để canh tác, bẫy thú bằng các loại dây rừng, săn thú bằng những ngọn lao gỗ. Do vậy, việc kim khí xuất hiện ở vùng đất này được thần thánh hóa.
Truyền thuyết về gươm thần do Siu Luynh, đời “Vua lửa” thứ 14 kể mà tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân sưu tầm được rằng: “Năm ấy hạn hán kéo dài, sông Apa, sông Ayun (hai con sông lớn nhất ở khu vực đông nam Gia Lai - PV) và các nguồn nước hoàn toàn khô cạn, cây rừng không mọc nổi. Người Jrai phải đào hố tìm nước uống. Các loài thú rừng cũng kéo đến cái hồ do người đào để uống nước. Chúng đạp lên nhau mà chết, con người chỉ việc lấy thịt thú rừng ăn. Nhưng rồi thú rừng cũng không còn, con người phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu ăn thay gạo”.
Theo tiến sĩ Vân, trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jrai là có thể cầu xin hoặc cao hơn nữa là bắt thiên nhiên phải chiều theo ý muốn của mình. Khi đã có “chiếc gươm thần”, có yêu cầu người xứng đáng giữ gươm, có lẽ vậy mà những Pơtao Apuih xuất hiện. Sau khi Siu Luynh, “Vua lửa” thứ 14 và cũng là vị “Vua lửa” cuối cùng, mất năm 1999, thanh gươm hiện đang được để trong một cái chòi nằm giữa ruộng của con cháu ông. Chị Kpah Nut, con gái của Siu Luynh, kể: “Từ nhỏ, mình đã thấy người làng dựng chòi, đem gươm từ Chư Tao Yang về đây. Họ làm chòi cho gươm ở, cúng cho gươm. Nhưng lâu rồi không ai cúng nữa. Thỉnh thoảng Rơlan Hieo (phụ tá của Siu Luynh) trèo lên chòi kiểm tra thôi”.
Cái chòi để giữ thanh gươm đã quá cũ. Người làng nói rằng nó đã quá cũ vì dựng rất lâu rồi. Trên đó chỉ đặt mỗi thanh gươm, được quấn cẩn thận trong vải. Người làng không ai dám lên xem thanh gươm. Ngay cả đến gần họ cũng ngại, sợ làng có việc gì, người làng lại bắt vạ họ. “Người làng không ai dám lấy thanh gươm đâu, chỉ sợ những người… buôn nhôm nhựa, ve chai vào lấy trộm thôi!”, chị Kpah Nut nói.
Sở VH-TT-DL Gia Lai cũng đã có kế hoạch cùng với H.Phú Thiện chuyển thanh gươm từ làng ra khu di tích để người dân có dịp thưởng lãm. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa thể thực hiện được dù nhiều người ở Plei Ơi cũng nhất trí. Họ chỉ yêu cầu tổ chức một lễ cúng chuyển gươm.
Trần Hiếu
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 3: Người không muốn làm vua
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 2: Về đất Hỏa xá
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 1: Miền hư ảo của Pơtao Ia
>> Khánh thành 4 cầu ở miền Trung - Tây nguyên
>> Mưa có xu hướng giảm ở Nam bộ và Tây nguyên
Bình luận (0)