(TNO) Philippines đang lên kế hoạch chi 1,8 tỉ USD để mua trang thiết bị quân sự mới trước năm 2017 và nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí trên thế giới đang nóng lòng giành hợp đồng, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin.
Chiến hạm BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines tại Vịnh Subic - Ảnh: Reuters
Vào cuối tuần trước, hàng tá tập đoàn quốc phòng quốc tế đem các loại vũ khí mới nhất đến tham dự triển lãm quốc phòng lớn đầu tiên trong vòng 15 năm qua tại Philippines, quốc gia đang cố cải tạo quân đội trong bối cảnh đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Trong số những tập đoàn quốc phòng có tiếng tham dự triển lãm tại Philippines có 2 tập đoàn Mỹ là Lockheed Martin và Textron, Thales (Pháp), Saab (Thụy Điển) và chi nhánh chuyên về quốc phòng của Airbus, tập đoàn sản xuất máy bay khổng lồ của châu u.
Tại buổi triển lãm, luôn thấy cảnh các quan chức quân đội Philippines đi cùng lãnh đạo các công ty quốc phòng tham gia triển lãm tham quan các mẫu máy bay không người lái và chiến đấu cơ sáng bóng, theo The Wall Street Journal.
“Philippines trông ra dáng của một trong những con hổ mới của châu Á”, ông Thomas Webster, giám đốc vùng của Beechcraft Defense, công ty con của Textron, nói. “Đông Nam Á nói chung hiện đang là một thị trường phát triển – phần lớn trang thiết bị quân sự ở đây có tuổi đời lên đến 40 năm rồi”.
Beechcraft hiện đang tranh giành một đơn hàng mua 6 máy bay yểm trợ trên không, loại dùng để ném bom các mục tiêu đe dọa bộ binh, cho Philippines, với trị giá vào khoảng 114 triệu USD, ông Webster cho hay.
Ông này cũng cho biết thêm rằng hãng nào giành được đơn đặt hàng ban đầu này sẽ có tiềm năng giành được đơn đặt mua 18 chiếc tiếp theo.
Giành được hợp đồng tại Philippines cũng sẽ giúp làm tăng cơ hội có hợp đồng với các quốc gia láng giềng như Malaysia và Việt Nam, theo ông Webster.
Khác với ở Mỹ và châu u, chi tiêu quốc phòng tại Đông Á đang tăng nhanh, The Wall Street Journal nhận định.
Thỏa thuận quân sự Mỹ-Philippines mới vừa được ký kết gần đây nhiều khả năng cũng làm tăng cơ hội giành được đơn hàng cho các công ty Mỹ tại Philippines, ông Webster nhận định.
Mô hình chiến đấu cơ được trưng bày tại Triển lãm Xử lý Khủng hoảng, An ninh và Phòng thủ châu Á hồi hôm 17.7 - Ảnh: The Wall Street Journal
Trong khi đó, Lockheed Martin, tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán, hiện đang tập trung vào một hợp đồng cung cấp máy bay tuần tra biển cho Philippines.
Tập đoàn Mỹ này cho biết Manila có thể chỉ tốn 1 nửa của tổng số tiền mua máy bay mới bằng cách trang bị hệ thống do thám của hãng này vào các máy bay vận tải C-130 hiện có của Không quân Philippines.
“Thập kỷ vừa rồi là một thập kỷ quên lãng của Philippines. Nhiều công ty Mỹ đã rút về nước”, một đại diện của Lockheed Martin nói với The Wall Street Journal. “Khác biệt hiện tại là ở chỗ họ thực sự đang chi cho các hợp đồng có trị giá hơn 100 triệu USD”.
Việc giành được đơn đặt mua 2 máy bay tuần tra biển có thể chỉ là một phần thưởng khiêm tốn cho một tập đoàn đạt doanh số cao kỷ lục 45,4 tỉ USD hồi năm 2013, nhưng Lockheed Martin đánh giá Philippines là một mối hời trong dài hạn, theo đại diện tập đoàn Mỹ.
“Hiện đang là lúc để giành lấy những thương vụ này nhằm đảm bảo rằng bạn sẽ có được những thương vụ khác trong 15 năm tới”, ông này bình luận. “Nếu không lấy được từ bây giờ, thì một công ty Hàn Quốc hay Israel chắc chắn sẽ nhảy vào”.
Giới quan sát cho biết Philippines đang cố thay đổi sự lơ là trong nhiều năm đối với lực lượng vũ trang lạc hậu trong nước bằng cách thiết lập một “hệ thống đánh chặn có sức mạnh tối thiểu” để đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người đã khai mạc Triển lãm Xử lý Khủng hoảng, An ninh và Phòng thủ châu Á hồi hôm 17.7, cho biết ông đã phê duyệt khoảng 920 triệu USD cho các thương vụ mua sắm vũ khí trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.
Khoản ngân sách này cao gấp đôi so với khoản tiền được duyệt dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Gloria Magapacal Arroyo trong suốt 10 năm bà này nắm quyền.
“Trong một thời gian dài, trang thiết bị của quân đội chính phủ đã chìm trong quên lãng”, ông Aquino phát biểu, đồng thời hứa sẽ chi nhiều hơn cho quốc phòng.
Hồi năm 2013, ông đã vạch ra kế hoạch chi 1,8 tỉ USD để mua các công nghệ quốc phòng mới trước năm 2017. Nguồn ngân sách này hiện đang được bổ sung cho ngân sách chi tiêu quốc phòng chủ đạo của Philippines, vốn vẫn ở mức vừa phải 2,7 tỉ USD trong năm 2013.
Quân đội Philippines cũng đã được hưởng lợi từ nguồn cung các trang thiết bị cũ, chẳng hạn 2 chiếc tàu tuần duyên cũ của Mỹ tặng cho Philippines để tân trang thành tàu chiến. Tuy nhiên, đảo quốc này đang đặt kỳ vọng cao hơn, theo The Wall Street Journal.
“Đây là một việc rất đáng khích lệ”, Chuẩn Đô đốc Philippines Jaime Bernadino, bình luận về việc các tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới đang cạnh tranh với nhau để giành đơn đặt hàng từ Philippines. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi có thể có những thương vụ tốt với công nghệ mới ở mức giá chúng tôi có thể kham nổi”.
Tập đoàn quốc phòng Korea Aerospace Industries (Hàn Quốc) đã giành được hợp đồng trị giá 420 triệu USD cung cấp 12 chiến đấu cơ FA-50 cho Philippines. Đây là hợp đồng quốc phòng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay tại Philippines. Ngoài ra, 3 hãng đóng tàu Hàn Quốc cũng đang nằm trong danh sách 4 công ty tham gia vào hợp đồng đóng 2 tàu khu trục cho hải quân Philippines, với trị giá lên đến 410 triệu USD. Công ty sản xuất máy bay quốc gia Indonesia cũng đang cạnh tranh với Lockheed Martin để dành hợp đồng bán máy bay tuần tra biển và trực thăng săn ngầm cho Philippines |
Hoàng Uy
>> Philippines: Bão lại quét qua vùng vừa hứng bão Rammasun
>> Sự hung bạo của bão Thần Sấm qua lời kể người dân Philippines
>> Cuộc đấu ở Philippines
>> Philippines quan ngại trước luật an ninh trên biển của Trung Quốc
>> Mỹ và Philippines ủng hộ Nhật, Trung Quốc lo ngại
Bình luận (0)