Sai phạm lớn tại nhiều ngân hàng, tập đoàn...

26/07/2014 03:05 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước hôm qua đã họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2013 về kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, chỉ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở một số ngân hàng và tập đoàn Nhà nước.

Sai phạm lớn tại nhiều ngân hàng, tập đoàn...
Vietcombank là 1 trong 3 NH thương mại huy động vốn của Bảo hiểm xã hội vượt trần lãi suất - Ảnh: Ngọc Thắng

Đáng chú ý, cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NH Phát triển Việt Nam (VDB) và 3 NH thương mại là Vietcombank, Vietinbank, Agribank đều phát hiện sai phạm.

Huy động vượt trần lãi suất

Trong đó, cả 3 NH thương mại đều huy động vốn của Bảo hiểm Xã hội không đúng quy định của luật Các tổ chức tín dụng và chưa điều chỉnh sang hợp đồng tiền gửi theo chỉ đạo của NHNN, dẫn đến huy động vượt trần lãi suất. Cụ thể, số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỉ đồng; Vietcombank là 25,56 tỉ đồng; Vietinbank là 30,79 tỉ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ nợ có khả năng mất vốn của 2/3 NH thương mại chiểm tỉ lệ lớn trên tổng nợ xấu. Trong đó Vietinbank là 2.132 tỉ đồng (42,8% dư nợ xấu), Agribank là 23.652 tỉ đồng (chiếm trên 59% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ). Riêng Agribank được xác định có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và nhiều khoản vay khó thu hồi vốn. Chi nhánh Agribank Tràng An không hạch toán trong thời gian dài khoản bảo lãnh 518,5 tỉ đồng cho Công ty REVN vay NH nước ngoài (Landesbank), phê duyệt vay và bảo lãnh vay vượt thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc quản lý an toàn vốn nhưng không báo cáo cấp trên gần 135 tỉ đồng. Nguyên giám đốc chi nhánh Tây Hà Nội ký phát hành bảo lãnh 389 tỉ đồng nhưng không lưu hồ sơ và chứng thư bảo lãnh, không hạch toán và hiện có 2 đơn vị đã khởi kiện yêu cầu Agribank thực hiện trách nhiệm thanh toán.

Có lãi nhờ hai lần tăng giá điện

KTNN phát hiện Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nâng giá mua điện của 2 nhà máy điện (Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ) 865,8 tỉ đồng; giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty (TCT) điện lực 1.717 tỉ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này năm 2011. EVN không đăng ký tiêu chí phân bổ, phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án giá bán điện.

Trả lời việc có hiện tượng chuyển giá trong nội bộ EVN không, Kiểm toán trưởng khu vực 6 (KTNN) Nguyễn Hồng Long cho rằng sau nhiều năm lỗ, thì năm 2012 lần đầu tiên EVN có lãi nhờ hai lần tăng giá điện. Theo ông Long, EVN mua điện thông qua 5 TCT điện lực. Trước năm 2012 các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ bán điện cho các hộ tiêu thụ bình ổn, kiềm chế lạm phát, nên phải chịu lỗ. Sau năm 2012, để đảm bảo cho báo cáo tài chính và thuận lợi khi làm việc với cơ quan trong, ngoài nước nên EVN đã phải xử lý như vậy là phù hợp về mặt hạch toán, kế toán.

“Nhà máy điện Cần Thơ chạy dầu nên giá thành điện lên tới 36.000 đồng/1 kw (gấp 36 lần các nhà máy điện bình thường), trong khi sản lượng điện của nhà máy này chỉ để phục vụ bù điện khi xảy ra các sự cố đường dây điện lực. Trong năm 2012 sản lượng điện của nhà máy chỉ đạt 7%, giảm 93% so với công suất phát của năm 2011, mà vẫn phải chịu tất cả các khoản chi phí. Hay tại nhà máy điện Thủ Đức, giá thành sản xuất là 200.000 đồng/1 kw nhưng cũng có trách nhiệm bù điện khi nơi khác có sự cố. Mặc dù chạy ít nhưng nhà máy vẫn phải dùng 91 tỉ đồng để bảo dưỡng, duy tu cho phát điện”, ông Long dẫn chứng.

Thu phí, lệ phí trái quy định tràn lan tại nhiều trường đại học

KTNN phát hiện một số đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương thu vượt mức quy định về phí, lệ phí. Điển hình là Bộ GD-ĐT thu vượt học phí 38,8 tỉ đồng, lệ phí tuyển sinh gần 13 tỉ đồng, thu vượt học phí sau ĐH gần 15 tỉ đồng, kinh phí đại học không chính quy gần 16 tỉ đồng, đào tạo văn bằng 2 là 3,3 tỉ đồng, học phí đào tạo chính quy 2,6 tỉ đồng; Bộ Công thương thu vượt học phí trên 45 tỉ đồng; Đại học Quốc gia TPHCM thu vượt lệ phí tuyển sinh trên 2,6 tỉ đồng, thu vượt học phí 12,2 tỉ đồng, thu cải thiện điểm sai quy định 387 triệu đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội thu vượt học phí gần 8,3 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã thu một số khoản ngoài quy định hơn 103 tỉ đồng, Bộ Công thương thu ngoài quy định gần 59 tỉ đồng; Đại học Quốc gia TP. HCM 11,6 tỉ đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội 1,32 tỉ đồng...

Ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành 3 (KTNN) cho biết các khoản thu trái gồm thu khi nhập học để làm thẻ sinh viên, khám sức khỏe, thu lệ phí tốt nghiệp, bảo vệ luận văn, thạc sĩ....Trả lời câu hỏi việc thu sai có trả lại hay không, ông Tân nói: KTNN đã yêu cầu các trường phải trả lại cho người học nhưng các bộ ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý để lại khoản tiền này cho quỹ phát triển sự nghiệp giáo dục. Hơn nữa, rất nhiều sinh viên đã ra trường đi làm, nếu trả lại thì có khi chi phí đi lại còn nhiều hơn cả số tiền nhận được.

Nợ khó đòi tràn lan

Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại 27 tập đoàn, TCT nhà nước, KTNN phát hiện nhiều đơn vị quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi lớn.

 Nợ quá hạn ở TCT Điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) là 9.650 tỉ đồng, Công ty mẹ VNPT 2.314 tỉ đồng, Cienco 1 trên 558 tỉ đồng, TCT lắp máy Việt Nam (Lilama) 482 tỉ đồng, công ty mẹ PVN 100,8 tỉ đồng, TCT Hàng không Việt Nam 181,6 tỉ đồng...

Một số tập đoàn, TCT đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm; việc đầu tư tài chính không đúng quy định, đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều công ty con hoặc công ty liên kết thua lỗ, mất vốn. Đáng chú ý, hầu hết các tập đoàn, TCT có đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án triển khai chậm hoặc kéo dài suy giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải dừng thi công do không có vốn.

Trường thu sai phải khắc phục hậu quả

Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ GD-ĐT không thu học phí lệ phí, học phí vì Bộ không có thẩm quyền mà là của các trường ĐH, CĐ. Các trường thu vượt là sai quy định. Quan điểm của bộ là việc thu các khoản này phải được thực hiện theo nghị định 49 của Chính phủ và không có ngoại lệ. Những trường thu sai thì phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan kiểm toán và phải khắc phục hậu quả.”

Lý giải về việc tại sao lại có những khoản thu sai này, Vụ phó Vụ kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Bùi Hồng Quang cho rằng: “Hiện nay quy định về mức thu học phí còn quá thấp so với chi phí đào tạo nên một số cơ sở giáo dục thu các khoản thu ngoài học phí như: lệ phí học lại thi lại, lệ phí bảo vệ luận văn... Những khoản thu này đã được chi trực tiếp cho người học. Tuy nhiên, vì chưa có quy định của nhà nước nên đó là những khoản thu sai quy định”. Ông Quang cũng cho biết: Bộ GD-ĐT cũng đã chấn chỉnh việc này nhưng bên cạnh đó cũng đang trình Chính phủ đề án đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học để một số trường được tự chủ hơn trong việc thu chi tài chính. Đồng thời Bộ cũng đang triển khai xây dựng lại mức học phí mới để đảm bảo chi phí đào tạo và các trường không phải thu các khoản thu nằm ngoài quy định.

Vũ Thơ

Chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra

Theo Vụ trưởng Vụ tổng hợp (KTNN) Đào Văn Dũng, qua hoạt động kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 22.821 tỉ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách hơn 3.850 tỉ đồng, giảm chi 4.833 tỉ đồng. Chuyển 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, thanh tra để xử lý, đồng thời chuyển 13 bộ hồ sơ cho cơ quan thẩm quyền điều tra, kiểm tra xử lý sai phạm.

Ông Dũng cho biết hiện KTNN đang nghiên cứu xây dựng chương trình kiểm toán riêng biệt, độc lập về nợ công và dự kiến triển khai năm 2015.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.