Không phải ngẫu nhiên mà những vụ bán độ của bóng đá VN nở rộ trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại V-League. Chỉ trong 2 năm qua đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng bất thường, nhưng do giải quyết không đến nơi đến chốn từ những người có trách nhiệm nên chuyện cầu thủ bắt tay làm độ ngày càng bùng phát.
|
Chưa bao giờ người hâm mộ cảm thấy bị phản bội như hiện nay khi chứng kiến ngày càng nhiều cầu thủ hư hỏng, nhúng chàm. Không cần nói đâu xa, chỉ mới trong 2 năm trở lại đây đã có quá nhiều chuyện đen tối hoặc từ phía CLB tung ra, hoặc từ chính dư luận phát hiện liên quan đến không ít cầu thủ, tạo nên những âm ỉ, vẩn đục qua một số vòng đấu V-League. Nhưng hễ mỗi khi đụng đến thì người ta cứ đòi “bằng chứng đâu” mới chịu xử lý, trong khi bằng chứng hiển nhiên nhất chính là những biểu hiện quá rõ ràng trên sân.
Tai tiếng nhất chính là chuyện nhiều cầu thủ của Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (XTSG) đóng kịch trong trận thua SHB Đà Nẵng ở trận siêu cúp hồi cuối tháng 2.2013. Trước thời điểm diễn ra trận đấu, Ban Tư vấn đạo đức (TVĐĐ) của VPF nhận được tin nhắn có nội dung cho biết XTSG sẽ thua cách biệt 3 bàn, tổng số bàn thắng trận đấu từ 4 bàn trở lên. Kết quả đúng y vậy. Riêng trận này nhiều bất thường lồ lộ trên sân khi ít nhất 2 vị trí ở hàng phòng ngự đá như mở toang cửa thành “mời đối thủ xơi”, nhưng không hề có bất cứ động thái xử lý nào của VFF, VPF.
Hiện tượng nhiều cầu thủ đội này “đá như mơ ngủ” lại tiếp tục xảy ra khi gặp đội chót bảng KienlongBank Kiên Giang và thua 1-3 trên sân Rạch Giá ở vòng 19 V-League, diễn ra ngày 10.8.2013. Khi đó, Ban TVĐĐ cũng đã nhận nhiều nguồn tin, kết hợp quá trình theo dõi những chuyện bất thường của đội bóng như thua Bình Dương, Đồng Nai dễ dàng, hòa Đà Nẵng… đều với tỷ số cao, nên đã gửi cảnh báo và góp phần lôi ra ánh sáng những âm mưu đen tối này.
Một vài cầu thủ trong đội bóng XTSG cũng có nhiều biểu hiện trái khoáy mà chính CLB cũng không chịu nổi nên có giai đoạn lãnh đạo đội phải gửi công văn báo cáo VFF, VPF và mời cơ quan điều tra giúp làm rõ xem có bán độ không. Đó là trường hợp thủ môn Bùi Tấn Trường và hậu vệ Trương Đình Luật bị chính đội bóng nghi ngờ. Những bàn thua như trong trận gặp Ninh Bình hay bàn thua phút bù giờ trước SLNA trên sân Thống Nhất đều liên quan các cầu thủ này, đã bị chính đội bóng “chỉ mặt đặt tên” và dư luận phản ứng kịch liệt, nhưng rồi đâu cũng vào đấy do cái điệp khúc “bằng chứng đâu?”.
|
Chính từ những ung nhọt vỡ ra như vậy, nếu VFF, VPF thực tâm muốn giải quyết thì chưa cần phải nhờ đến sự vào cuộc của lực lượng công an, họ vẫn có thể làm được. Những biểu hiện không bình thường trên sân, thái độ thi đấu buông thả không phục vụ tốt người xem, có những toan tính một cách lộ liễu trong thi đấu của các cầu thủ tiêu cực làm sao qua mắt được giới chuyên môn và những người hâm mộ. Chỉ cần sự răn đe đúng mức, cộng với biện pháp xử lý kịp thời của những người có trách nhiệm, thì đâu đến nỗi cầu thủ VN dễ dàng “bán mình cho quỷ”, đến mức họ đánh mất tất cả, mồ hôi, công sức tập luyện, danh tiếng để rơi vào những cám dỗ của cá cược, trượt dài vào hư hỏng; đâu đến nỗi biến bóng đá VN trở thành sản phẩm bị tác động xấu từ nạn cá độ hoành hoành, chi phối.
Thế nên, không hề quá đáng khi ông bầu Hoàng Mạnh Trường của Vissai Ninh Bình (NB) chua chát nói về chuyện của đội mình. Ông một mặt thừa nhận nhiều cầu thủ NB sai trái do nhận thức về bản thân, về nghề nghiệp chưa nghiêm túc nên đã có những giây phút không kiểm soát được mình trước những tác động xấu, vi phạm các vấn đề về đạo đức làm ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp, ảnh hưởng đến tương lai của chính bản thân. Nhưng mặt khác, theo ông, vẫn là do sự yếu kém của bộ máy VFF, VPF, BTC giải V-League trong quản lý, điều hành giải đấu, xử lý không dứt khoát, không triệt để, thiếu dũng cảm đối mặt với sự thật, còn bao che, dung dưỡng cho cái xấu nên bệnh ngày càng “lờn thuốc” mà không hề có một giải pháp căn cơ nào để chữa trị. Như thế, chẳng trách sao chuyện bán độ trong bóng đá VN không thể triệt tiêu.
6 trận V-League cùng đá lúc 17 giờ và đều được “soi” Do chuyện bán độ của 6 cầu thủ Đồng Nai ở vòng đấu 21 nên V-League bước vào 3 vòng đấu cuối, nhất là vòng 22 chiều nay đồng loạt trên 6 sân đều lúc 17 giờ trong không khí khá nặng nề. Theo nguồn tin của Thanh Niên, cả 6 trận đấu này đều sẽ được “soi” từ cơ quan điều tra (CQĐT) lẫn các bộ phận chuyên môn của VFF, VPF. Theo lời khai của các trùm cá độ và nhóm cầu thủ bán độ, bước đầu CQĐT xác định sẽ mở rộng phạm vi và đối tượng điều tra, hiện chưa biết sẽ rơi vào cầu thủ nào. Chính vì vậy bất cứ một biểu hiện bất thường trên sân chiều nay đều được đưa vào tầm ngắm. Lãnh đạo một số CLB cũng đã kịp thời thông báo và quán triệt với cầu thủ của mình và cho biết sẵn sàng hợp tác với CQĐT nếu phát hiện có manh mối tiêu cực. Vòng này có 5/6 trận được truyền hình trực tiếp là Hà Nội T&T - HAGL (VTV2), Thanh Hóa - SLNA (VTV6), QNK Quảng Nam - Becamex Bình Dương (VTC3), Hùng Vương An Giang - Than Quảng Ninh (Đài AG), Đồng Nai - SHB Đà Nẵng (Đài ĐN 2). Duy nhất trận Hải Phòng - ĐTLA trên sân Lạch Tray không có trực tiếp. (T.K) |
Đăng Khoa - Tuấn Anh
>> Mở rộng điều tra vụ bán độ bóng đá
>> Chùm ảnh các cầu thủ Đồng Nai bị triệu tập vì nghi ngờ bán độ
>> Cầu thủ Đồng Nai có dấu hiệu bán độ trong trận đấu với Than Quảng Ninh
>> Úc phá một đường dây bán độ quần vợt
>> Nghi vấn tổ chức bán độ của hai cầu thủ Mạnh Dũng
Bình luận (0)