Gaza - dải đất ngục tù

27/07/2014 00:49 GMT+7

Sẽ không có một thỏa thuận ngừng bắn bền vững chừng nào người dân ở Dải Gaza vẫn còn bị cô lập với thế giới bên ngoài.

 
Các bé gái Palestine trú ngụ tại một ngôi trường của LHQ ở thành phố Jabalia, phía bắc Dải Gaza - Ảnh: AFP

Năm 2012, sau một chuyến thăm Gaza, triết gia và là trí thức cánh tả nổi tiếng ở Mỹ Noam Chomsky từng mô tả dải đất này là một nhà tù lộ thiên khổng lồ. Dẫn ý “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Chomsky viết: “Chẳng cần nhiều hơn một ngày ở Gaza để bắt đầu nếm cảm giác sinh tồn trong nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới, nơi 1,5 triệu người chen chúc trong khu vực đông đúc nhất thế giới luôn là mục tiêu của sự khủng bố tùy tiện và sự trừng phạt độc đoán, không ngoài mục đích hạ nhục và vùi dập niềm hy vọng vào một tương lai sáng sủa của người Palestine”. Hình ảnh tang tóc ở Dải Gaza những ngày này lại một lần nữa thể hiện rõ số phận ngột ngạt của những người dân nơi đây.

Vòng xoáy xung đột

Từng thuộc quyền kiểm soát của Ai Cập, Dải Gaza bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Năm 2005, Israel rút hết quân cùng khoảng 7.000 người định cư. Một năm sau, phong trào Hồi giáo Hamas thắng cử và cai trị nơi này từ năm 2007 đến nay, sau khi đẩy bật phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Khi Hamas lên nắm quyền ở Gaza, nơi 1,8 triệu người sinh sống trong dải đất rộng chừng 360 km2, Israel nhanh chóng phong tỏa khu vực, hạn chế việc lưu thông hàng hóa và đi lại. Ai Cập cũng đóng cửa biên giới phía nam của Gaza. Từ đó đến nay người dân Gaza đã trải qua 3 cuộc chiến trong tình trạng bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Ở cuộc chiến đầu tiên năm 2008 - 2009, khoảng 1.400 người Palestine, bao gồm nhiều dân thường, cùng 13 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong chiến dịch Chì Đúc (Cast Lead) của Tel Aviv. Tháng 11.2012, Tel Aviv phát động chiến dịch Trụ cột phòng vệ (Pillar of Defense), khiến hơn 100 dân thường Palestine thiệt mạng. Năm nay, vòng xoáy bạo lực tái diễn khi hơn 1.000 người Palestine, phần lớn là dân thường, cùng 40 binh sĩ Israel thiệt mạng sau 18 ngày giao tranh trong chiến dịch Vành đai bảo vệ (Protective Edge). Lập luận của Israel về sự thiệt hại sinh mạng dân thường vẫn không đổi: Hamas có lỗi vì không chỉ dùng hỏa lực rốc két mạnh hơn mà còn vì tổ chức tấn công từ những khu vực dân cư, gồm cả đền thờ, bệnh viện và trường học.

Mỹ và Liên minh châu u đã bảo vệ “quyền tự vệ” của Israel trước các đợt nã rốc két của Hamas. Tuy nhiên, làn sóng tố cáo Tel Aviv phạm tội ác chiến tranh đang ngày một dâng cao. Cao ủy Nhân quyền LHQ Navi Pillay phát biểu ngày 23.7 rằng một số cuộc tấn công mới đây của Israel có khả năng vi phạm luật pháp quốc tế và cấu thành tội ác chiến tranh. Theo AP, bà cũng lên án hành động nã rốc két bừa bãi và sử dụng các khu dân cư làm căn cứ phát động tấn công của Hamas. Nhưng “hành động của một bên không triệt tiêu nghĩa vụ tôn trọng luật pháp quốc tế của bên kia”, theo bà Pillay.

Quả bom hẹn giờ

Khủng hoảng đang diễn ra tại Gaza thậm chí tồi tệ hơn năm 2008 - 2009 bởi cuộc sống tại đây đã kiệt quệ và người dân Palestine lần này “không có lối thoát”, theo tờ The Economist. Tờ The New Republic dẫn số liệu chính thức của Cục Thống kê Palestine cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Gaza hơn 40%, trong đó của giới trẻ gần 60%. Người dân chỉ có điện khoảng 8 tiếng/ngày, nước sạch và hệ thống vệ sinh ở đây được đánh giá là sát mức khủng hoảng. Ngay cả khi Israel chưa tấn công, một quan chức cao cấp của Palestine ở Ramallah đã nói với tờ The New Republic rằng Gaza “sẽ không trụ nổi đến cuối năm nay”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở Gaza là biến động chính trị ở Ai Cập năm 2013, khi chính phủ của Hội Huynh đệ Hồi giáo, đồng minh của Hamas, bị lật đổ. Chính quyền quân sự ở Cairo đã triệt phá các đường hầm nối Gaza với bán đảo Sinai, cắt đứt huyết mạch kinh tế mỏng manh của dải đất này, khiến Hamas và cả người dân kiệt quệ. Bức bách vì bị cô lập toàn diện, Hamas buộc phải chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát Gaza hơn là bị lật đổ vì không thể bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của người dân. Họ quyết định chuyển giao quyền hành cho chính quyền Palestine ở Ramallah, thể hiện qua thỏa thuận hòa giải vào tháng 4 với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), với những điều kiện gần như hoàn toàn do Tổng thống Abbas đặt ra. Đổi lại, chính quyền ở Ramallah sẽ trả lương cho khoảng 43.000 công chức làm việc cho Hamas ở Gaza, vốn không được nhận lương trong gần 6 tháng qua. Ngoài ra, Hamas đòi hỏi nới lỏng lệnh phong tỏa Gaza của Ai Cập. Tuy nhiên, những điều kiện tối quan trọng đối với Hamas này bị Israel và phương Tây khước từ.

Trong bài viết trên tờ The New York Times mới đây, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế Nathan Thrall đã chỉ trích Mỹ và châu u đã không gây sức ép buộc Cairo nới lỏng lệnh phong tỏa Gaza mặc dù họ hoàn toàn có khả năng làm điều này. Khi Qatar đề nghị đứng ra trả lương cho các công chức ở Gaza, Washington cũng từ chối tạo điều kiện, cảnh báo về sự trừng phạt đối với bất kỳ tổ chức nào chuyển tiền cho những nhóm bị họ xem là khủng bố. Mặc dù không phải là thành viên Hamas, nhiều công chức ở Gaza vẫn bị Washington liệt vào dạng nhận hỗ trợ vật chất từ khủng bố. Khi đặc phái viên Trung Đông của LHQ Robert Serry đề xuất giải pháp giải quyết khủng hoảng bằng cách chuyển lương thông qua LHQ nhằm tránh trách nhiệm pháp lý cho các tổ chức, chính quyền Mỹ cũng lắc đầu và tán thành quan điểm của Ngoại trưởng Israel Avidor Lieberman, vốn kêu gọi trục xuất ông Serry với lập luận ông “đang cố gắng chuyển tiền” cho Hamas.

Bối cảnh ngột ngạt nói trên ở Gaza đã trở thành tiền đề cho cuộc khủng hoảng hiện nay. “Nhiều người Gaza, không chỉ là những người ủng hộ Hamas, chấp nhận hứng chịu bom đạn và cả một cuộc tấn công trên bộ để có cơ may thay đổi hiện trạng không thể chấp nhận đó. Một thỏa thuận ngừng bắn không thể giải quyết cuộc khủng hoảng tiền lương và mở cửa biên giới Gaza với Ai Cập sẽ không kéo dài. Gaza không thể tiếp tục chịu đựng được việc bị cô lập với thế giới và được điều hành bởi những công chức không lương”, ông Thrall viết. 

Ngừng bắn nhân đạo ở Gaza

Thỏa thuận ngừng bắn vì mục đích nhân đạo kéo dài 12 tiếng đồng hồ ở Dải Gaza đã có hiệu lực kể từ 12 giờ ngày 26.7, giờ VN. Theo BBC, các cư dân ở Gaza đã tận dụng thời gian ngưng chiến ngắn ngủi để trở về nhà, thu thập vật dụng thiết yếu và tìm kiếm những người mắc kẹt trong các đống đổ nát. Trong đêm trước, các cuộc tấn công của Israel đã giết chết ít nhất 19 người trong một ngôi nhà gần thành phố Khan Younis ở phía nam Gaza. Quân đội Israel cũng xác nhận có thêm 2 binh sĩ của họ thiệt mạng. Trong khi đó, một hội nghị lớn nhằm tìm giải pháp hướng đến thỏa thuận ngừng bắn lâu dài đã khai mạc ở thủ đô Paris của Pháp hôm qua, với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng những người đồng cấp Anh, Pháp, Đức, Ý, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sơn Duân

>> Dải Gaza chìm trong lửa đạn
>> Biệt kích Israel đổ bộ Dải Gaza
>> Israel chuẩn bị đưa bộ binh vào Dải Gaza
>> Thương vong tăng cao tại Dải Gaza
>> Israel sẵn sàng đổ quân vào Dải Gaza 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.