Hợp pháp hóa đảo chính

27/07/2014 00:53 GMT+7

Ở Thái Lan, nhà vua đã phê chuẩn bản hiến pháp tạm thời. Về phương diện thủ tục pháp lý, việc này chỉ là hình thức. Nhưng nếu nhìn vào nội dung văn kiện, quá trình soạn thảo và đặt vào bối cảnh tình hình hiện tại thì sẽ thấy giá trị thực tiễn lâu bền của nó chứ không chỉ tạm thời về pháp lý.

Nội dung quan trọng nhất của hiến pháp tạm thời là hợp pháp hóa cuộc đảo chính quân sự ngày 22.5, dành cho giới quân sự quyền can thiệp, có nghĩa là cả tiến hành đảo chính quân sự, bất cứ khi nào họ cho rằng chính quyền dân sự không đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong nước. Như thế, giới quân sự có vị thế “chỉ dưới nhà vua, còn trên tất cả”, không chỉ hiện tại mà còn cả từ nay về sau. Việc này không chỉ chính thức hóa vị thế quyền lực hiện tại của người đứng đầu giới quân sự, tướng Prayuth Chan-ocha, mà còn đảm bảo để ông duy trì được vị thế đó cả trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Bản hiến pháp tạm thời đã đưa Thái Lan vào lối rẽ chính trị mới khi trên thực tế làm thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị theo hướng không có đảng phái và cá nhân dân sự nào trong thời gian tới có thể giành được vị thế cầm quyền và yên ổn cầm quyền. Đó cũng là lý do giải thích vì sao hiến pháp tạm thời không có quy định cụ thể về tổng tuyển cử. Giới quân sự chủ ý để mập mờ vì họ sẽ chỉ tổ chức tổng tuyển cử sau khi đảm bảo chắc chắn không có đảng phái hay bất cứ cá nhân nào nhờ bầu cử mà cầm quyền để rồi gây bất lợi đối với giới quân sự. Nên dân chủ Thái Lan đang biến chuyển sang dạng khác.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.