|
Trong khi đó, chúng ta lại đang sống trong một kỷ nguyên mới của thông tin, những thiết bị công nghệ hiện đại, nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Sự dịch chuyển này cũng làm thay đổi mục tiêu đánh giá, thi cử.
Từ thành công của Trường THCS Danville Bate (Kentucky, Mỹ)
Trước khi bà Coleman được điều về làm trưởng phòng giáo dục, Trường THCS Bate đã bị đưa vào "danh sách cần theo dõi" do kết quả thi của trường luôn ở mức thấp. Thậm chí, người ta đã tính đến phương án đóng cửa trường này.
Khi ở vị trí trưởng phòng, Coleman đã mời cô Swann lúc bấy giờ là giảng viên của Trường ĐH Kentucky về làm hiệu trưởng. Cả Swann và Coleman đã tiến hành cải tổ triệt để triết lý giáo dục của nhà trường theo hướng khuyến khích học sinh (HS) học và làm theo những chủ đề mà các em thực sự quan tâm. Toàn bộ chương trình giảng dạy của trường được thiết kế lại, tập trung vào các bài đồ án thực tiễn mang tính liên ngành. Các em cần vài tuần để nghiên cứu, thực hiện đồ án, thay vì học các môn học rời rạc như trước.
Các bài kiểm tra theo hình thức cũ (trắc nghiệm, tự luận) được thay thế bằng phương pháp đánh giá năng lực. Theo đó ngoài việc phải viết một bản báo cáo dài khoảng 15 trang, mỗi HS sẽ trình bày bài thuyết trình về kết quả nghiên cứu của mình trước hội đồng giám khảo gồm giáo viên đến từ các trường trung học khác. Có 3 cấp độ đánh giá năng lực chính: xuất sắc, hoàn thành và cần sửa đổi. Nếu kết quả đánh giá là "cần sửa đổi", HS sẽ tiếp tục công việc cho lần trình bày tới.
Chỉ sau 5 năm đổi mới, Trường THCS Bate đã là kiểu mẫu về đào tạo kỹ năng, một trong số 25 trường trên toàn nước Mỹ có được vinh dự này.
Sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề
Chúng ta hiện đang sống trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thông tin và những thiết bị công nghệ hiện đại, của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.
Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục cần phải có những đổi mới về chương trình đào tạo, chuyển từ định hướng tác vụ cụ thể sang định hướng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài kiến thức sâu, HS cần phải biết áp dụng để giải quyết các tình huống thực tế phức tạp; khả năng ứng dụng công nghệ để thực hiện nghiên cứu, sáng tạo; có tư duy phản biện, kỹ năng tìm kiếm và chắt lọc thông tin; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…
Đi cùng với đổi mới về chương trình đào tạo là đổi mới về phương pháp đánh giá. Phương pháp kiểm tra trước đây chủ yếu đo lường các kỹ năng cơ bản và các mảng kiến thức rời rạc. Có lẽ đây là lý do tại sao Laszlo Bock, phó chủ tịch của Google phụ trách tuyển dụng trong bài trả lời phỏng vấn với Thomas Friedman, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng đã phát biểu: “Điểm số của các bài kiểm tra là vô giá trị... Chúng tôi thấy rằng các điểm số này không nói trước được bất cứ điều gì”. Bock lưu ý rằng kỹ năng quan trọng nhất mà Google tìm kiếm ở các ứng viên đó là “khả năng học tập” - khả năng tìm kiếm, chắt lọc các loại thông tin khác nhau và áp dụng nó để giải quyết vấn đề.
Ở cách tiếp cận mới, đánh giá năng lực đòi hỏi HS phải thể hiện kiến thức, kỹ năng và chiến lược tạo ra sản phẩm hoặc đưa ra những phương án trả lời thông qua những công việc cụ thể. Hay nói cách khác, đánh giá năng lực đo lường trực tiếp các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề của HS ở mức cao và toàn diện.
Thay thế bài thi, kiểm tra bằng đánh giá năng lực
Phương pháp đánh giá truyền thống cũng có ưu điểm như chi phí thấp, khách quan do việc chấm điểm được thực thi bằng máy. Ngân hàng câu hỏi cũng đã được chuẩn hóa. Trong khi đó, để triển khai phương pháp đánh giá năng lực trên một quy mô rộng cần giải quyết những vấn đề bao gồm: tính thực tiễn và độ tin cậy của các chỉ số đánh giá, đào tạo và chuẩn hóa giáo viên để đảm bảo tính nhất quán trong việc ra đồ án và chấm điểm, xây dựng ngân hàng đồ án…
Ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Đan Mạch… bên cạnh các bài tập và bài luận, HS được khuyến khích thực hiện các dự án nghiên cứu để hạn chế thói quen học vẹt. Việc chấm điểm các dự án này là một phần của toàn bộ hệ thống đánh giá, giúp cho giáo viên đo lường hiệu quả giảng dạy cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy. Số lượng các bài thi, bài kiểm tra hầu như không còn nữa ngoại trừ các bài thi cuối cấp.
Đổi mới thi cử ở nước ta về lâu dài, cần nhìn nhận nó như là một phần không thể thiếu của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, hướng đến những chuẩn mực quốc tế. Việc giảm tải các bài thi, bài kiểm tra và từng bước thay thế bằng những bài đánh giá năng lực cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông là việc làm cần quan tâm nghiên cứu.
Ý KIẾN Để định hướng dạy và học Nếu khéo léo thay đổi đề thi thì sẽ thay đổi được những khiếm khuyết của quá trình dạy và học vì nhìn chung lại thi là để định hướng quá trình dạy của giáo viên và học của học sinh. Hồ Hoàng Minh Thi cử phải phản ánh đúng chất lượng thực tế “Thực tế cho thấy, việc thi cử sẽ quyết định toàn bộ cách học tập và giảng dạy. Vì vậy, kỳ thi cần điều chỉnh để việc học tập và thi cử đúng với chất lượng thực tế”. Nguyễn Kim Tường Vy Quá coi trọng thi cử “VN quá lạm dụng thi cử nên việc đánh giá quá trình học của HS trở nên nặng nề. Làm gì cũng phải có mục tiêu rõ ràng, phải hiểu đúng bản chất để thay đổi chứ không nên loay hoay và quá coi trọng thi cử. Quan niệm thi kiểu gì sẽ học kiểu đó không sai nhưng đó chỉ là tác động ban đầu còn sâu xa cần có là sự thay đổi về hoạt động và điều kiện dạy học”. Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM |
PGS-TS Vũ Hải Quân
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
B.Thanh - H.ánh
(ghi)
>> Rớt đại học nhưng không vào trường nghề
>> Rớt đại học sao không vào cao đẳng ?
>> Vượt "sốc" rớt đại học để bước tiếp
>> Rớt đại học, học ở đâu?
>> Đừng nản lòng nếu rớt đại học
>> Rớt đại học 14 lần vẫn đi thi
>> Rớt đại học xin đừng nản!
>> Nếu tôi rớt đại học...
Bình luận (0)