Những sự cố đáng tiếc xảy ra gần đây trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích ở nhiều địa phương đều có một nguyên nhân chung là lỗ hổng về kiến thức pháp luật di sản ở các cấp lãnh đạo địa phương và những người thực hiện.
|
Khi đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL đến lập biên bản việc dùng cuốc xẻng cào mái ngói đình Tiên Canh (Hương Canh, Vĩnh Phúc) - một di tích cấp quốc gia, họ ghi nhận nhà bao che đã được xây dựng. Đây là một việc bắt buộc phải làm trong quá trình trùng tu, trước khi hạ giải. Điều đó sẽ đảm bảo che chắn công trình khỏi mưa gió, bão bùng. Nhưng thanh tra vừa đến ngày 1.7, thì đến 25.7 vừa rồi, nhà bao che này đã sập xuống.
|
Một chuyên gia bảo tồn cho biết, nhà bao che là một hạng mục phải được tính toán vô cùng cẩn thận khi xây dựng. Để bảo vệ được di tích, mái phải có độ rộng nhất định. Kết cấu nhà cũng phải chắc chắn bởi một bề mặt có diện tích lớn ở trên cao sẽ chịu lực tác động của gió bão rất nhiều. “Có những công trình phải tính toán rất lâu mới xong các yếu tố kỹ thuật để xây dựng nhà bao che. Chính vì thế, việc dựng nhà bao che để rồi nó bị đổ không thể coi là tai nạn. Sập nhà bao che là điều không được phép xảy ra”, chuyên gia này nói.
Cũng câu chuyện nhà bao che, tại chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội), đơn vị thi công đã không dựng nhà bao che trước khi hạ giải một phần ngôi chùa này, nguyên nhân do huyện “cắt giảm” hạng mục này. Tuy nhiên, đây là một trong những nội dung để cấp chứng chỉ trùng tu. “Tại sao đơn vị thi công không yêu cầu bổ sung bằng được? Nếu không, họ cũng làm trái điều mà luật buộc phải biết”, một chuyên gia di tích nói.
Trên thực tế, những câu chuyện trùng tu theo kiểu làm lấy lệ, làm qua loa như trên không ít. Trong một lớp học bảo tồn, thậm chí có một học viên đã chia sẻ về cách thức đơn vị mình bảo tồn rất lạ. Theo đó, di tích cần được trùng tu tôn tạo đã có một phần kiến trúc mất hẳn, hoàn toàn không có tư liệu. Nhưng bên cạnh việc nói không có tư liệu, đơn vị này vẫn kể vanh vách được phần kiến trúc đó có đầu đao ra sao, kết cấu thế nào. Bịa như thật. Hồ sơ sau đó vẫn được hoàn thành, trong khi quy trình nghiên cứu đáng lẽ phải được thực hiện chặt chẽ, khoa học hơn.
Cần xóa mù phương cách trùng tu
Cục Di sản hiện đang phải chịu trách nhiệm quản lý một lượng di tích rất lớn. Thậm chí, một chia sẻ từ chuyên viên cục này cho biết, mỗi ngày họ có thể nhận đến cả mét hồ sơ di tích. Bản thân số chuyên viên Cục Di sản lẫn Thanh tra Bộ về di tích cũng không nhiều. Nếu cứ giám sát, kiểm tra mọi di tích đang tu bổ thì đương nhiên không thể đủ thời gian. Chính vì thế, cánh tay nối dài của họ ở địa phương cần rất hiểu việc trùng tu tôn tạo di tích - đó là các lãnh đạo ở cấp xã, huyện.
Nhưng câu chuyện ở Tiên Canh cũng như nhiều địa phương khác cho thấy, một số vị trí chủ chốt lại không am hiểu luật Di sản. Họ thậm chí sẵn sàng bớt hạng mục của trùng tu để tiết kiệm tiền, dù điều đó sẽ khiến nguy cơ hư hại di sản tăng cao. Hoặc như câu chuyện đang nóng ở Hoàng thành Thăng Long, những công nhân xây dựng hoàn toàn chưa được hướng dẫn luật Di sản, còn chủ thuê họ cũng không hề ý thức vấn đề này. Hoàng thành do đó đang có nguy cơ bị UNESCO “thổi còi” cảnh báo.
|
“Có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện một cuốn cẩm nang về bảo tồn”, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội chia sẻ sau rất nhiều lần phải chạy theo “chữa cháy” các vi phạm luật Di sản ở địa phương. Dự kiến, cẩm nang sẽ được xây dựng theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu kiểu hỏi đáp để người đọc dễ tiếp thu. Người đọc đầu tiên chính là những người có trách nhiệm tại địa phương.
Về việc cần phổ cập hiểu biết về di tích cho các lãnh đạo cấp cơ sở có di tích, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Phổ cập kiến thức về bảo tồn di tích là điều rất cần. Khi chúng tôi tổ chức lớp học trùng tu bao giờ kết thúc cũng có phiếu lấy ý kiến của các học viên. Phần lớn họ đều cho rằng lãnh đạo các đơn vị rất cần biết những kiến thức này. Vì khi lãnh đạo hiểu, những hiểu biết về trùng tu khoa học của người thực hiện sẽ được áp dụng”.
Phổ cập kiến thức pháp luật về di sản ngay từ cấp cơ sở sẽ giúp việc thực hiện quy trình trùng tu được giám sát chặt hơn, khả năng làm lấy lệ nhờ đó sẽ giảm hẳn.
Trinh Nguyễn
>> Trộm viếng di tích quốc gia
>> Xếp hạng 5 di tích lịch sử
>> Di tích khảo cổ cấp quốc gia bị xâm hại
>> Xử lý bom mìn ở vùng phụ cận di tích Mỹ Sơn
>> Gắn biển di tích nhà thờ họ Lê Sỹ
Bình luận (0)