Huyền bí Phong Nha - Kẻ Bàng - Kỳ 2: Mê cung Phong Nha

29/07/2014 09:00 GMT+7

Trong hệ thống hang động khu vực dãy núi đá vôi Kẻ Bàng thì động Phong Nha được biết đến nhiều nhất và sớm nhất.

Trong hệ thống hang động khu vực dãy núi đá vôi Kẻ Bàng thì động Phong Nha được biết đến nhiều nhất và sớm nhất.

 >> Huyền bí Phong Nha - Kẻ Bàng: Thiên đường trên trái đất

Những cột nhũ đá kỳ ảo trong động Phong Nha  Nguồn: Sở VH-TT-DL Quảng Bình
Những cột nhũ đá kỳ ảo trong động Phong Nha  Nguồn: Sở VH-TT-DL Quảng Bình 

Động Phong Nha xuất hiện đầu tiên trong sách Đại Nam nhất thống chí với tên gọi động Thầy Tiên hay động Núi Thầy.

Từ xa xưa, người Việt đã biết đến động Phong Nha qua hình chạm khắc trên cửu đỉnh của triều Nguyễn trong đại nội Huế. Từ năm 1824, vua Minh Mạng đã sắc phong động Phong Nha là "Diệu ứng chi thần".

Cuối thế kỷ 19, một người Pháp là L.Cadiere đến động Phong Nha. Bằng thuyền độc mộc, ông đi sâu vào trong lòng động khoảng 600 m. Cadiere phát hiện ra một nhánh hang phía bên phải có dấu tích một bàn thờ và những chữ Chăm khắc trên vách đá cách hang chính khoảng 20 m.

Một người Pháp khác tên là J.Pavis đến Phong Nha, sau một thời gian khảo cứu, đã phát hiện bên phải lối vào động có một bàn thờ bằng gạch của người Chiêm Thành. Ngày xưa có một bức tượng đá để trên bàn thờ, cẳng chân xếp nhau, có hình chữ vạn ở trước ngực, khăn cuốn đầu che kín gáy. Ông Pavis còn phát hiện ở nhánh hang phụ còn dấu vết một bàn thờ được xây bằng gạch, loại gạch có kích thước dài 27 cm, rộng 16 cm và dày 5 cm. Gạch được lát theo hình tròn có đường kính rộng khoảng 4 m.

Tháng 7.1924, một nhà thiên văn học người Anh tên là Baton đã đến thám hiểm động Phong Nha trong 14 ngày đêm. Ông Baton đánh giá động Phong Nha đẹp như một chốn mê cung không kém gì động Padirac ở Pháp hay động Cueva del drac ở Tây Ban Nha, những hang động đẹp nổi tiếng thế giới.

Năm 1928, Antoni - giáo viên Trường Quốc học Huế lúc bấy giờ và một số quan chức cai trị người Pháp khác cũng đã từng đến thám sát động Phong Nha. Tháng 5.1929, dựa trên các bản đồ chỉ dẫn của các nhà thám hiểm trước, các ông Charly, Pas Qualaggi và Bouflier (người Pháp) lên đường thám sát động.

Vén bức màn kỳ bí

Theo tài liệu của Th.S Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì năm 1990, Hội Địa lý hang động Hoàng gia Anh (BCRA - British Cave Research Association) với những nhà thám hiểm dày dạn kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của nhiều phương tiện chuyên dụng kết hợp với các nhà khoa học địa chất nổi tiếng ở VN thuộc Khoa Địa lý địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành thám hiểm Phong Nha và nhiều hang động khác trong vùng.

 

Các nhà thám hiểm Hoàng gia Anh nhận xét động Phong Nha là hang động có 7 cái nhất: Hang có con sông ngầm đẹp nhất; Có cửa hang cao và rộng; Có bãi cát, bãi đá ngầm đẹp; Có hồ nước ngầm đẹp; Có hang khô rộng và đẹp; Có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ; Là hang nước dài nhất.

Từ 28.4.1990 đến 1.5.1990: các nhà thám hiểm vượt qua gần 4.000 m tính từ cửa động.

Đợt thám hiểm thứ hai từ 18.3.1992 đến 18.4.1992: 12 thành viên sau 30 ngày đêm, họ đã ghi lại trong nhật ký: “Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ tráng lệ và đa dạng của thạch nhũ. Thật kỳ diệu, những cột thạch nhũ óng ánh như những rễ cây cổ thụ bằng thủy tinh rũ xuống từ mái vòm...”.

Tháng 3.1994, đoàn tiếp tục khảo sát Phong Nha và các hang động khác trong vùng phụ cận như hang Rục Mòn, Rục Cà Roòng, hang Én, hang Đại Cáo, hang Thung... nâng tổng số chiều dài hang động ở vùng Kẻ Bàng đã được khảo sát lên hàng chục ki lô mét.

Tháng 4.1994, ông Howard Limbert - trưởng đoàn thám hiểm phát biểu: “Động Phong Nha là một hang động nổi tiếng ở VN và là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới. Động Phong Nha có liên quan đến nhiều hang động khác trong vùng. Chúng tôi tin rằng các hang động ở đây có thể nối liền với nhau bằng hang ngầm và do đó Phong Nha là hang động nước dài nhất trên thế giới”.

Thuyền du lịch trước cửa động Phong Nha
Thuyền du lịch trước cửa động Phong Nha

GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ, lúc đó là Chủ tịch Hội Hang động VN, nhận xét: “Gần 30 năm nghiên cứu về hang động của các vùng karst (đá vôi) khắp đất nước, có thể nói thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Phong Nha một cảnh đẹp tuyệt vời. Những hàng cột nhũ đá lóng lánh bạc, những bộ ngai vàng kim cương, những cụm thạch nhũ hồng tươi trên dòng sông ngầm mà hiếm gặp ở các hang động khác”.

Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, sau các đợt thám sát 1994 giới thiệu trên tạp chí International Caver (Hang động quốc tế) bộ ảnh đẹp, ấn tượng. Trong đợt trở lại thám hiểm lần thứ tư, tháng 1.1997, đoàn đã phát hiện thêm 3 hang động mới. Đến thời điểm đó, đã có 31 hang động với tổng chiều dài gần 100 km được thám hiểm.

Rất nhiều bài viết về động Phong Nha đã được đăng tải, giới thiệu trên các tạp chí nổi tiếng, từ đó, động Phong Nha được nhiều người biết đến như một đệ nhất kỳ quan.

Trương Quang Nam - Vũ Nguyễn

 >> Phong Nha - Kẻ Bàng xuất hiện đậm trên sách du lịch nước ngoài
 >> Lonely Planet 2014 dành 6 trang giới thiệu Phong Nha-Kẻ Bàng
 >> Phát hiện thêm nhiều hang động hùng vĩ tại Phong Nha - Kẻ Bàng
 >> Sử dụng trực thăng để cứu nạn ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.