‘Lương hưu thứ hai’ tắc vì thiếu nghị định

31/07/2014 01:56 GMT+7

Đẩy nhanh phát triển chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện không những giúp người lao động (NLĐ) có cuộc sống tốt hơn, mà còn là giải pháp cứu Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khỏi nguy cơ vỡ quỹ.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 30.7.

Theo đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp (DN), với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai đang gặp vướng mắc vì chưa có nghị định về quỹ hưu trí bổ sung theo mô hình ủy thác. Ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay với đại đa số NLĐ, hưu trí cơ bản (BHXH hiện nay) là nguồn thu nhập duy nhất. Trong khi, tại Thái Lan, hưu trí cơ bản chỉ chiếm 60% tổng thu nhập người nghỉ hưu, Pháp chiếm 20 - 25% và Mỹ 58%. Ông Giang cho rằng với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020 là gần 62%, VN đang có cơ cấu “dân số vàng”, là thời điểm tốt nhất để thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện và nên thực hiện càng sớm càng tốt.

“Tham gia Quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện lợi ích của NLĐ được cải thiện, giúp NLĐ tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con, cháu và phúc lợi xã hội của nhà nước; giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho NLĐ khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận. Đặc biệt, thông qua việc quản lý bằng tài khoản cá nhân, NLĐ có thể biết rõ thu nhập tương lai của mình, từ đó thúc đẩy động lực tiết kiệm, thiết kế đa tầng, đan xen và hỗ trợ nhau cũng như dễ dàng chuyển đổi”, ông Giang phân tích.

Đặc biệt, trong trường hợp DN phá sản, NLĐ không còn làm việc tại đó thì hoàn toàn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm với tư cách cá nhân. Nếu người mua bảo hiểm chẳng may qua đời, giá trị tài khoản tích lũy không mất đi mà sẽ được chuyển toàn bộ cho người thụ hưởng. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu nam giới 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1 triệu đồng từ DN - 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.