Thi để làm gì ? - Kỳ 3: Có nên thi để học những cái không muốn ?

31/07/2014 01:35 GMT+7

Nhiều người ủng hộ thi lập luận vì phải thi học sinh mới học. Nhưng vấn đề học cái gì? Áp lực thi cử tạo nên nhu cầu học thêm dạy thêm. Liệu chúng ta có thực sự muốn duy trì áp lực này để trẻ con phải học thêm nhiều hơn không?

Nhiều người ủng hộ thi lập luận vì phải thi học sinh mới học. Nhưng vấn đề học cái gì? Áp lực thi cử tạo nên nhu cầu học thêm dạy thêm. Liệu chúng ta có thực sự muốn duy trì áp lực này để trẻ con phải học thêm nhiều hơn không?

Thi để làm gì ? - Kỳ 3: Có nên thi để học những cái không muốn ?
Theo GS Ngô Bảo Châu, hầu hết mọi người cho rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH đảm bảo về tính trung thực hơn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia

Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia. Cách tổ chức thi của chúng ta không đảm bảo tính trung thực. Thực tế cho thấy Bộ GD-ĐT có những cố gắng từ nhiều năm nay để cải thiện tình hình thi cử nhưng có vẻ như tính trung thực của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vẫn chưa được bảo đảm.

Lập luận chính của những người ủng hộ thi vì phải thi học sinh mới học. Nhưng vấn đề học cái gì? Học để thi thì kéo theo việc học thêm và đủ thứ vấn đề khác... Tất cả gây nên sự bất bình trong xã hội mà không đi đến đâu cả. Thi để học những cái không muốn học thì có nên thi không?

 

Tính trung thực phải được coi như là kim chỉ nam của mọi kỳ thi

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Theo tôi, có thể vẫn có một kỳ thi, nhưng cần tổ chức nó tương đối bình thường với tất cả của các trường. Bằng tốt nghiệp THPT là do từng tỉnh/thành phố cấp. Tôi không nghĩ việc đó ảnh hưởng nhiều tới tương lai của các em. Có người nói nếu là bằng do Bộ GD-ĐT cấp thì tốt hơn cho các em trong công việc sau này nhưng tôi không tin lắm vào điều đó.

Trên thế giới, có nước vẫn duy trì kỳ thi này, nhưng trong điều kiện thực tế của nước ta, kỳ thi không phản ánh được kết quả học tập, trình độ học sinh. Chúng ta muốn kiểm tra bằng đề thi phổ thông trên toàn quốc, một đề thi nhưng trình độ học sinh của mỗi tỉnh mỗi khác, đòi hỏi của mỗi địa phương mỗi khác. Tỉnh miền núi thì đòi hỏi khác với thành thị. Ta muốn tất cả mọi nơi đều đạt tiêu chuẩn, đó là mong muốn không có gì là sai, nhưng tôi nghĩ là thực tế không cho phép làm việc đó.

Khi có sự “vênh” giữa một mong muốn có một kỳ thi tầm quốc gia và bên kia là trình độ và nhu cầu từng địa phương không giống nhau thì nó sẽ kéo đến sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó được giải quyết trong thực tế bằng những tiêu cực mà không ai muốn cả. Như vậy đặt vấn đề không chỉ một quyết tâm chính trị có thể giải quyết được hoặc quyết tâm chính trị chỉ giải quyết được vấn đề trong một hai năm chứ không giải quyết được lâu dài. Và chúng ta phải thay đổi về mặt phương pháp.

Việc nhà nước thấy thật sự cần thiết duy trì chất lượng giáo dục chung trong cả nước thì nên tăng việc thanh tra kiểm soát việc học, thi tại các trường phổ thông những năm cuối hơn là việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cuối cấp.

Tự chủ tuyển sinh nói lên chất lượng

Trong hai kỳ thi thì tuyển sinh ĐH được hầu hết mọi người công nhận đảm bảo trung thực hơn. Sẽ không thực tế khi muốn bỏ một kỳ thi đang làm tốt để làm kỳ thi ta không làm tốt. Lý do người ta đưa ra là nhiều nước chỉ thi tốt nghiệp mà không thi ĐH. Chúng ta muốn áp dụng mô hình như vậy. Về mặt lý thuyết thì có vẻ ổn hơn. Trên thực tế tôi e rằng không thực hiện được việc đó một cách hiệu quả.

 

Báo Thanh Niên tổ chức diễn đàn “Thi để làm gì?” với mong muốn đăng tải các ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội về những vấn đề của thi cử mà giáo dục VN cần hướng đến. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến  tham gia của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn

Bất kỳ kỳ thi nào cũng nêu ưu tiên thứ nhất là đạt được sự trung thực, không nên ưu tiên nó có đúng vào mô hình nào đó hay không. Tính trung thực phải được coi như là kim chỉ nam của mọi kỳ thi. Thứ hai, mọi chìa khóa cho phát triển ĐH VN vẫn là chuyện tự chủ trong ĐH, tức là phải để cho mỗi trường tự chủ trong việc phát triển, việc định đoạt của họ. Việc tự chủ lớn nhất là tự chủ về tuyển sinh. Như vậy, không thể nào và dù lý do nào cũng không nên ép tất cả các trường tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi phổ thông hay một kỳ thi trung gian nào đó.

Có thể để cho các trường chưa đủ điều kiện và khả năng tổ chức thi riêng được thi “3 chung”. Nhưng những trường lớn đủ tự tin, đủ khả năng đảm bảo sự tự chủ của mình thì để cho họ tự tổ chức kỳ thi của họ, ít nhất là làm thí điểm. Đó là một cách tôi nghĩ là hay hơn là tiếp tục đưa ra chính sách bắt các trường tuyển sinh theo một khuôn mẫu chung.

Có một thực tế ở quốc gia nào cũng vậy: để khẳng định chất lượng, tên tuổi của một trường thì việc tuyển chọn ngặt nghèo đầu vào là hết sức quan trọng, kể cả sau đó anh tiếp tục sàng lọc, tiếp tục việc đào tạo nghiêm túc. Nhưng việc tuyển chọn đầu vào nghiêm ngặt là cái làm nên tên tuổi của một trường.

Từ lâu tôi đã đưa ra ý kiến là nên kết hợp chuyện tự chủ với đánh giá tương thích của trường. Những trường được tự chủ là những trường làm tốt và ngược lại. Nên coi việc tự chủ là một hướng để cho các trường phấn đấu. Tự chủ tuyển sinh cho đến tự chủ về biên chế, tự chủ về tài chính, về khoa học.

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.