|
Đánh giá về tình hình diễn biến tội phạm, trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết tội phạm hình sự giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều ngành, lĩnh vực. Toàn quốc phát hiện hơn 7.000 vụ, 7.684 đối tượng, tăng 3,23% về số vụ và 19,73% về đối tượng so với cùng kỳ năm 2013.
Loại tội phạm này đang diễn ra rất nghiêm trọng, đối tượng phạm tội có trình độ cao, quan hệ rộng, liên kết với nhau hình thành các nhóm lợi ích tìm mọi kẽ hở pháp luật để phạm tội, khi bị phát hiện chúng dùng mọi cách để chạy tội, bôi đen cơ quan điều tra |
||
Trung tướng Phan Văn Vĩnh |
||
Tham nhũng vặt diễn ra phổ biến
Đặc biệt trung tướng Vĩnh lưu ý, bên cạnh các vụ tham nhũng lớn mang tính tập thể thì tình trạng tham nhũng vặt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công diễn ra phổ biến nhưng khó phát hiện vì người dân ngại tố cáo, tố giác, cơ quan chức năng thiếu bằng chứng xử lý.
Ông Vĩnh đưa ra dẫn chứng các vụ án Bộ Công an đấu tranh trong thời gian qua như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng và gần nhất là vụ Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng VN (VNCB)... để cho thấy loại tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cho vay tiền gửi, chứng khoán tiếp tục có diễn biến phức tạp, gây thất thoát khối lượng lớn tài sản của nhà nước và doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng. “Loại tội phạm này đang diễn ra rất nghiêm trọng, đối tượng phạm tội có trình độ cao, quan hệ rộng, liên kết với nhau hình thành các nhóm lợi ích tìm mọi kẽ hở pháp luật để phạm tội, khi bị phát hiện chúng dùng mọi cách để chạy tội, bôi đen cơ quan điều tra”, tướng Vĩnh nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng đấu tranh với loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều vụ phải đình chỉ điều tra vì hết thời hiệu do không có kết quả giám định.
Hạn chế tối đa bức cung nhục hình
Tại buổi làm việc, ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, dẫn ra một số vụ oan sai, có dấu hiệu bức cung nhục hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long ở Bắc Giang hay vụ nhục hình ở Phú Yên và đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao phải kiên quyết nghiêm trị “những con sâu làm rầu nồi canh”. Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, “đa số các vụ án xảy ra ở cấp huyện, và đây đó đã xảy ra những vụ việc oan sai”. Chính vì thế việc tăng cường năng lực cho cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện cần được quan tâm nhiều hơn.
Đánh giá cao kết quả đạt được của cơ quan cảnh sát điều tra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, các vụ bức cung nhục hình không nhiều nhưng chỉ cần xảy ra một vụ là gây bức xúc dư luận nên tới đây khi tổ chức lại cơ quan điều tra, Bộ Công an phải chú ý các bộ phận về mặt luật pháp, tổ chức, để hạn chế tối đa các vụ oan sai, bức cung nhục hình đem lại niềm tin cho người dân. “Phải chú ý làm cho tốt các vụ việc có dấu hiệu hình sự do cơ quan chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán chuyển sang. Các sự việc này còn phức tạp, sóng gió lắm”, Chủ tịch nước nói.
Hoạt động điều tra không ảnh hưởng đến VNCB Liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, trả lời PV Thanh Niên vào chiều qua, một lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết sẽ điều tra làm rõ về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với bị can Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB; Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB. Vị này cũng khẳng định, hoạt động của cơ quan cảnh sát điều tra sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngân hàng này. |
Thái Sơn
Bình luận (0)