Xe đạp điện nghênh ngang trên đường phố Nam Định

04/08/2014 08:55 GMT+7

Xe đạp điện đang trở thành 'mốt' mới ở TP.Nam Định khi đa số học sinh THPT, học sinh lớp 8-9, cũng như người cao tuổi đều đi lại bằng loại phương tiện này.

Xe đạp điện đang trở thành 'mốt' mới ở TP.Nam Định (Nam Định) khi đa số học sinh THPT, học sinh lớp 8-9, cũng như người cao tuổi đều đi lại bằng loại phương tiện này.

 Xe đạp điện ngênh ngang trên đường phố Nam Định
Mỗi tuần, Công an TP.Nam Định tạm giữ hàng trăm xe đạp điện vi phạm - Ảnh: H.L

Theo báo cáo của Công an tỉnh Nam Định, từ khoảng đầu năm 2010, xe đạp điện đã trở thành phương tiện phổ biến. Giờ cao điểm, trên địa bàn TP này có hàng nghìn xe đạp điện lưu thông, ở mỗi huyện cũng có khoảng 1.000 xe đạp điện đang lưu hành.

Tuy nhiên, ngoài sự tiện lợi, xe đạp điện đang gây ra sự phản cảm đối với người dân Nam Định. Trên đường phố, thường xuyên thấy cảnh học sinh đi xe đạp điện giăng hàng 2, hàng 3 trên đường, vừa đi vừa nói chuyện. Đáng chú ý là rất ít thanh thiếu niên đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm và thường xuyên vượt đèn đỏ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, có nhà ở mặt đường Hùng Vương, TP.Nam Định bức xúc: "Bọn trẻ hình như không coi pháp luật ra gì, không đội mũ bảo hiểm lại còn cứ nghênh ngang giữa đường".

Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra tại cổng các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh Nam Định và thống kê thấy gần 40% học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, thậm chí là khi đi xe máy đến trường.

Theo thiếu tướng Sinh, tình trạng thanh niên, học sinh vi phạm luật lệ ATGT đang rất phức tạp khi thống kê cho thấy trên 70% các vụ TNGT xảy ra tại Nam Định là ở lứa tuổi thanh niên, học sinh.

Còn theo trung uý Phạm Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT TP.Nam Định thì ngay sau khi xuất hiện, loại phương tiện này nhanh chóng vươn lên dẫn đầu các vi phạm trật tự giao thông với hàng nghìn trường hợp mỗi năm.

Dễ mua, khó quản lý

Mua một chiếc xe đạp điện hiện nay rất đơn giản. Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định, cho biết việc quản lý xe đạp điện hiện “bất khả thi” vì theo quy định, hồ sơ đăng ký xe phải có chứng từ mua bán xe, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập khẩu), giấy kiểm tra chất lượng (đối với xe lắp ráp trong nước)…, nhưng trên thực tế, mỗi chiếc xe đạp điện bán ra chỉ có một phiếu bảo hành. Chính vì không có đăng ký, Công an Nam Định hiện không thể thống kê chính xác có bao nhiêu xe đạp điện đang lưu hành trên địa bàn.

Theo ông Luân, việc xử lý vi phạm của xe đạp điện cũng rất khó khăn vì các đối tượng thấy công an xuất hiện thường đối phó bằng cách tắt mô tơ điện và đạp xe như bình thường. Bên cạnh đó, chế tài xử lý người điều khiển và ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm còn thấp, không có tính răn đe.

Cũng theo Công an Nam Định, nguyên nhân quan trọng nhất khiến xe đạp điện tại TP.Nam Định trở thành "vấn đề" là do thiếu sự quản lý, giáo dục của phụ huynh và nhà trường. Lãnh đạo đội CSGT TP.Nam Định cho biết hằng tháng đều gửi thông tin học sinh đi xe đạp vi phạm giao thông đến các nhà trường nhưng nhiều trường tỏ ra thờ ơ với việc này.

"Ở các trường như THCS Trần Đăng Ninh, THCS Phùng Chí Kiên, vi phạm giảm hẳn khi nhà trường hạ hạnh kiểm học sinh vi phạm được công an phản ánh, nhưng phần lớn các trường THPT như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Ngô Quyền… lại coi đây là trách nhiệm của công an khiến học sinh vi phạm ngày càng tăng", đại diện của đơn vị kể trên cho biết.

Hoàng Long 

>> Nguy cơ từ xe đạp điện
>> An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện
>> Xe đạp điện "lờ" mũ bảo hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.