(TNO) Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang theo dõi, cập nhật chặt chẽ thông tin diễn biến bệnh do vi rút Ebola trên thế giới, đồng thời sẽ tập trung giám sát để phát hiện ca bệnh ngay từ cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế.
|
Hôm nay (6.8), Sở Y tế TP.HCM đã họp giao ban với các quận, huyện về chống dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát để phát hiện, có biện pháp phòng ngừa và điều trị khi có ca bệnh do vi rút Ebola xuất hiện trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là các quận, huyện có nhiều người nước ngoài nhập cư, du lịch hoặc di chuyển từ vùng nguy cơ cao đến như khu vực phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Theo bác sĩ Hưng, thành phố đang theo dõi, cập nhật chặt chẽ thông tin diễn biến bệnh do vi rút Ebola trên thế giới, đồng thời tập trung giám sát để phát hiện ca bệnh ngay từ cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế. Các bệnh viện lớn thông qua những dấu hiệu dịch tễ nghi ngờ có biện pháp theo dõi để có hướng cách ly, điều trị bệnh.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tăng cường thông tin, kiến thức về dịch bệnh đến cho người dân để chủ động phòng chống.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành trong cả nước chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Ebola lan truyền vào Việt Nam.
Trong cuộc họp khẩn trực tuyến cùng chiều hôm nay (6.8), giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với các cơ quan y tế Việt Nam, về phòng dịch bệnh do vi rút Ebola, WHO thông báo, tính từ đầu năm 2014 đến ngày 1.8, thế giới ghi nhận 1.603 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola. Trong đó, có 887 trường hợp tử vong tại bốn nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Hiện bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do vi rút Ebola. Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Ebola trên người và động vật. Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị hỗ trợ cung cấp sinh phẩm và hỗ trợ kỹ thuật chẩn đoán bệnh cho Việt Nam. |
Nguyên Mi
>> Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh
>> TP.HCM tăng cường phòng, chống dịch bệnh
>> Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: 'Cái gốc' gây bệnh tiêu chảy cấp là do môi trường sống
>> Thêm bệnh nhi tử vong liên quan đến tiêu chảy cấp
>> Báo động dịch Ebola ở Tây Phi
>> Nguy hiểm vi rút Ebola
Bình luận (0)