Nỗi lo an toàn thủy điện

07/08/2014 02:20 GMT+7

Vụ vỡ đê quai Nhà máy thủy điện Ia Krel 2 ở Gia Lai đã khiến đại diện lãnh đạo 38 địa phương có nhiều nhà máy thủy điện dự hội nghị do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (6.8) tại Hà Nội lo ngại khi qua rà soát, vẫn còn không ít dự án chưa đảm bảo về chất lượng xây dựng, an toàn đập…

Vụ vỡ đê quai Nhà máy thủy điện Ia Krel 2 ở Gia Lai đã khiến đại diện lãnh đạo 38 địa phương có nhiều nhà máy thủy điện dự hội nghị do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (6.8) tại Hà Nội lo ngại khi qua rà soát, vẫn còn không ít dự án chưa đảm bảo về chất lượng xây dựng, an toàn đập…

 Vỡ đê quai Nhà máy thủy điện Ia Krel 2
Vỡ đê quai Nhà máy thủy điện Ia Krel 2 ở Gia Lai - Ảnh: Trần Hiếu

Theo ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về quản lý quy hoạch, vận hành các nhà máy thủy điện, từ đầu năm đến nay đã có 36/38 tỉnh, thành rà soát quy hoạch. Qua đó, Bộ Công thương đã loại bỏ thêm 12 dự án.

Nhưng điều khiến đại diện lãnh đạo các địa phương lo lắng là theo đánh giá của Bộ Công thương, vẫn còn một số chủ đầu tư, nhất là các công trình có quy mô dưới 30 MW chưa thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn đập. Rà soát 65 dự án với 68 đập, trong số đó có tới 23 đập đang trình duyệt phương án bảo vệ; 53 đập chưa thực hiện kiểm định, kiểm tra lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ hồ chứa; 53 đập chưa thực hiện phương án phòng chống lụt bão…

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, chủ đầu tư một số dự án thủy điện nhỏ thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm nên quản lý chất lượng xây dựng công trình chưa chặt chẽ; một số dự án trong quá trình thi công chủ đầu tư tự thay đổi quy mô, thiết kế, không báo cáo cho cơ quan chức năng. Do vậy vẫn phải tiếp tục rà soát, kiểm tra để ngăn ngừa rủi ro, mất an toàn có thể xảy ra.

Bộ Công thương cũng đã rà soát, kiểm tra năng lực 48/65 đơn vị tư vấn về thủy điện ở các tỉnh phía bắc, qua đó yêu cầu loại bỏ hoạt động tư vấn của 3 đơn vị, 1 đơn vị tự xin ngừng hoạt động. Sắp tới cũng sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của 11 đơn vị khác và tiếp tục kiểm tra, rà soát các đơn vị tư vấn điện lực ở miền Trung và các tỉnh phía nam.

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cảnh báo hiện nay nhiều nhà máy thủy điện không có khả năng chống lũ mà chỉ có thể tham gia giảm lũ.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa lo lắng về mức độ an toàn của đập thủy điện hồ Cửa Đạt, nếu có hiện tượng lũ chồng lũ thì sẽ đe dọa, làm mất an toàn cho 2 triệu dân của 6 huyện. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên phản ánh tình trạng từ khi xây dựng thủy điện An Khê - Ka Năk, dòng sông Ba ở tỉnh này rơi vào tình trạng không có nước, đến nay cũng chưa có phương án giải quyết dù tỉnh đã báo cáo Chính phủ. “Thậm chí đã vào mùa mưa mà nước cũng không có. Bây giờ đầu tư thủy điện đường sá tốt hơn, nhà cửa của dân tốt hơn nhưng đất không có, nước không có thì đời sống người dân còn khổ hơn”, ông Liên nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh, bổ sung chính sách về đầu tư, phát triển thủy điện trong thời gian tới. 

Mạnh Quân

>> Sự cố vỡ đê quai thủy điện Ia Krel 2: Chủ đầu tư phải đền bù cho dân
>> Vỡ đê, mất trắng hơn 40 ha lúa sắp thu hoạch
>> Vỡ đê, thiệt hại hơn 10 tỉ đồng
>> Vỡ đê bao, nước ngập trên diện rộng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.