|
Nhiều ưu đãi cho thí sinh
Năm 2014, Trường ĐH Tây Đô tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển nguyện vọng bổ sung ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, đây là năm thứ 3 trường áp dụng chính sách ưu tiên đặc thù trong tuyển sinh là xét học ĐH (hoặc CĐ) cho học sinh đã tốt nghiệp THPT của 22 huyện/thị xã nghèo biên giới, hải đảo khu vực ĐBSCL; 62 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ người nghèo cao, học sinh là người dân tộc rất ít người. Sau khi được xét tuyển, những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 năm.
|
Trường ĐH Tây Đô sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ ngày 20.8.2014. Trường áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho khu vực Tây Nam bộ, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH hoặc CĐ hệ chính quy năm 2014 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới ngưỡng điểm ĐH hoặc CĐ không quá 1 điểm (thí sinh học bổ sung kiến thức 1 học kỳ). Năm 2014, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Tây Đô cho các bậc học được phân bổ như sau: trình độ ĐH tuyển 2.200 chỉ tiêu; CĐ 800 chỉ tiêu; trung cấp chuyên nghiệp 500 chỉ tiêu; liên thông 170 chỉ tiêu và vừa làm vừa học 500 chỉ tiêu. “Với nhiều ngành đào tạo ở các bậc cùng với những chính sách ưu tiên đặc thù, năm nay khả năng trúng tuyển vào ĐH Tây Đô của thí sinh là rất cao”, ThS Lương Lễ Nhân, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Đô, nhận định.
Học gì ở Đại học Tây Đô?
Tuyển sinh năm 2014, Trường ĐH Tây Đô có 18 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ, đặc biệt là 2 ngành mới là quản lý tài nguyên và môi trường, luật kinh tế. Những ngành học này được xem là cần thiết cho nhu cầu xã hội và cơ hội việc làm của sinh viên (SV) khi ra trường rất khả quan. Trong số đó, những ngành khoa học sức khỏe như: dược học, điều dưỡng đang được xem là những ngành có sức hút lớn của Trường ĐH Tây Đô. Đây cũng là 2 ngành có cơ hội việc làm rất lớn bởi nguồn nhân lực cho y tế đang thiếu hụt trầm trọng.
Khi tốt nghiệp ngành dược học, SV có thể làm việc tại các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm, nhà thuốc, trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm, trường ĐH, viện nghiên cứu, sở y tế hoặc các trung tâm y tế, cơ sở y tế có liên quan đến dược. Trong khi đó, SV tốt nghiệp ngành điều dưỡng có thể bắt đầu với việc chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức phi chính phủ… Đặc biệt còn một hướng ra nữa cho ngành điều dưỡng là đi xuất khẩu lao động tại Nhật, Philippines, Đức…
Ngoài ra, cũng không kém phần hấp dẫn là nhóm ngành kinh tế như: kế toán; tài chính ngân hàng; quản trị kinh doanh marketing; quản trị kinh doanh du lịch; quản trị kinh doanh quốc tế (ngoại thương). Cùng với đó, các ngành như: công nghệ thông tin; điện - điện tử; công nghiệp kỹ thuật công trình xây dựng; công nghệ thực phẩm; quản lý đất đai; nuôi trồng thủy sản; ngôn ngữ Anh; văn học; Việt Nam học (chuyên ngành du lịch)... cũng là những lựa chọn yêu thích của nhiều thí sinh.
Tú Uyên
Bình luận (0)