Biển Đông sôi sục tại Myanmar

10/08/2014 02:45 GMT+7

Những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông khiến nghị trường ASEAN nóng bỏng với một loạt giải pháp khẩn cấp nhằm hạ nhiệt tình hình được nêu ra.

Những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông khiến nghị trường ASEAN nóng bỏng với một loạt giải pháp khẩn cấp nhằm hạ nhiệt tình hình được nêu ra.

 Phái đoàn Mỹ hội đàm cùng phái đoàn Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Phái đoàn Mỹ hội đàm cùng phái đoàn Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong phát biểu tại cuộc họp ASEAN - Trung Quốc sáng 9.8, dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã quyết liệt nêu vấn đề căng thẳng ở biển Đông. Bày tỏ mối quan ngại sâu sắc vốn được chia sẻ bởi các nước trong khu vực và trên thế giới trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng biển VN, ông Phạm Bình Minh yêu cầu không tái diễn những hành động tương tự.

Khẳng định lập trường nguyên tắc của VN là tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất 3 nhóm giải pháp, bao gồm: những biện pháp và cơ chế để cụ thể hóa các quy định và triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC), nhất là điều 5 quy định không được có các hành động làm phức tạp tình hình; yêu cầu các bên liên quan, mà ở đây thực tế là giữa ASEAN và Trung Quốc, đi vào thương lượng một cách thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC); và trong khi vừa thực hiện DOC và tiến tới COC, cần thực hiện ngay những biện pháp trung gian như thiết lập đường dây nóng để cảnh báo các sự cố hay những rủi ro có thể có đối với an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực.

Trả lời báo chí vào cuối ngày hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết quan ngại cũng như các giải pháp mà ông Phạm Bình Minh đưa ra nhận được sự chia sẻ và nhất trí cao của các thành viên ASEAN. “Kể cả Trung Quốc cũng đồng ý với các giải pháp đó”, ông Vinh nói.

Phủ nhận và đe dọa

Cũng tại cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi hành động xây đảo nhân tạo và các cấu trúc khác của Trung Quốc ở biển Đông là “đe dọa hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”. Và để ngăn chặn những hành động mà ông gọi là “khiêu khích”, Ngoại trưởng Del Rosario trình lên hội nghị bản “Kế hoạch hành động 3 bước”, gồm ngăn cấm việc xây cất, hoàn thiện COC và giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài trong khuôn khổ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).

Một nhà ngoại giao không muốn nêu tên cho biết kế hoạch của Philippines đã bị phía Trung Quốc bác bỏ tại cuộc họp. Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, ông Vương Nghị đã có những lời lẽ bóng gió đổ lỗi cho phía khác: “Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi lập trường về quốc phòng cũng như các quyền lợi trên biển của mình, và sẽ không chấp nhận bất cứ ai cố tình làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”. “Tình hình trên biển Đông nhìn chung là ổn định. Chẳng có vấn đề gì đối với sự lưu thông trên biển cả. Chỉ có ai đó cố tình thổi phồng và gọi đó là căng thẳng ở biển Đông”, ông Vương nói qua phiên dịch viên. Nhà ngoại giao đến từ Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa: “Chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết nếu bị khiêu khích”.

Tiếng nói của các đối tác

Tại cuộc họp với ASEAN chiều qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thể hiện sự quan ngại trước những diễn biến tại nơi có “những tuyến đường biển và hải cảng toàn cầu thiết yếu” mà “khu vực kinh tế năng động châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào”. “Ai cũng hiểu bất cứ điều gì xảy ra ở vùng biển này không chỉ ảnh hưởng đến khu vực và Mỹ, mà đến bất kỳ ai trên thế giới muốn nhìn thấy một Đông Nam Á tiếp tục lớn mạnh dựa trên tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế”, ông Kerry lập luận. Bởi vậy, “Mỹ và ASEAN có chung trách nhiệm bảo đảm an ninh cho những tuyến đường biển và hải cảng toàn cầu thiết yếu này”, bằng cách quản lý các mối căng thẳng một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, ông nói. “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia tuyên bố chủ quyền cân nhắc tự nguyện đồng ý chấm dứt một số hành động mà theo ngôn ngữ của DOC năm 2002 là làm phức tạp và leo thang tranh chấp”, ông đề nghị.

Hôm nay 10.8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan đi vào ngày cuối cùng với 2 cuộc họp quan trọng trong khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á với 8 đối tác và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với 17 đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, EU... Biển Đông được dự đoán vẫn là một chủ đề nổi cộm, bên cạnh các vấn đề an ninh nóng bỏng ở bán đảo Triều Tiên, Ukraine, Trung Đông...

Bên lề hội nghị, hôm qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp gỡ song phương với những người đồng cấp các nước Myanmar (Wunna Maung Lwin), Mỹ (John Kerry), Ấn Độ (Sushma Swaraj) và Úc (Julie Bishop). Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng John Kerry, bên cạnh trao đổi các vấn đề an ninh cùng quan tâm, hai bên cũng trao đổi về một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có đàm phán về Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP), hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân dân sự.

Thục Minh
(từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Mỹ kêu gọi chấm dứt leo thang ở biển Đông
>> Không để tái diễn hành động phức tạp trên biển Đông
>> Giải mã những cột mốc chủ quyền - nhà giàn DK1 - Kỳ 2: Kế hoạch chi tiết ‘bắt mạch’ biển Đông
>> Trung Quốc bỏ ngoài tai đề nghị của Philippines về biển Đông
>> Mỹ sẽ có quan điểm rõ ràng hơn về biển Đông
>> Mỹ-Trung lại bất đồng về biển Đông trước thềm thượng đỉnh ASEAN
>> Lửa cháy trên biển Đông - Kỳ 2: Máu đỏ những vùng biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.