* Có thể sẽ có thí sinh từ đỗ thành trượt
Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định nhân hệ số điểm ưu tiên khu vực, đối tượng với ngành có nhân hệ số môn thi chính khi tính điểm xét tuyển đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
|
Chiều 9.8, Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết luận của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài việc công bố các mức điểm xét tuyển đầu vào, Bộ cũng chính thức quy định cách tính điểm ưu tiên đối với những trường, ngành có nhân hệ số môn thi chính theo quy định mới của kỳ thi năm nay.
Bộ quy định: Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính, xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm xét tuyển có tính đến hệ số 2 của môn chính theo công thức: DTT = 4 x DQc : 3
Trong đó: DTT là điểm ưu tiên thực tế; DQc là điểm ưu tiên xác định theo quy chế (điểm trung bình được làm tròn đến 2 chữ số thập phân).
Như vậy, những thí sinh dự thi vào những trường ngành có nhân hệ số môn thi chính sẽ được nhân hệ số đối với điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng.
Lý giải về quy định này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: Việc nhân hệ số 2 của điểm môn chính sẽ chuyển từ hệ điểm 30 sang hệ điểm 40, vì vậy điểm xét tuyển tối thiểu có tính đến hệ số môn chính sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản nhân với 4 chia cho 3, và điểm ưu tiên cũng bằng điểm ưu tiên theo quy chế (ứng với hệ điểm 30) nhân với 4 chia cho 3.
Cục cũng đưa ra một loạt các ví dụ để chứng minh cho việc này và kết luận việc nhân hệ số điểm ưu tiên mới tạo được sự công bằng cho thí sinh.
Sẽ có thí sinh từ đỗ thành trượt?
Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải sự phản ứng của không ít trường từng thực hiện nhân hệ số môn thi các năm trước đây. Đại diện các trường cho rằng cách tính này vừa rối rắm, không công bằng, vừa phá vỡ quy chế tuyển sinh.
Theo cách tính cũ, việc nhân hệ số môn chính sẽ được tính vào tổng điểm thi, sau đó mới cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực. Nếu tính theo cách mới năm nay thì điểm chuẩn dự kiến của nhiều trường sẽ phải thay đổi, trong đó nhiều thí sinh không thuộc đối tượng ưu tiên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điểm thi. Thậm chí, có thí sinh sẽ từ đỗ thành trượt. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Cách làm này dẫn đến việc điểm ưu tiên của thí sinh tăng hơn so với quy định trước đây. Nhìn thì có vẻ đúng về mặt toán học nhưng lại bất hợp lý và mất sự công bằng giữa các thí sinh. Điểm ưu tiên cần phải tính theo đầu thí sinh chứ không thể tính theo đầu môn thi như vậy”.
Ví dụ, nếu tính theo cách mới thì ở một vài thí sinh đã thấy có sự thay đổi đáng kể. Một em đạt tổng điểm 29/40 không có điểm ưu tiên vẫn phải nhường chỗ cho một em có điểm 25/40 mà có điểm ưu tiên là hơn 4,66 điểm (được cộng 2 điểm ưu tiên đối tượng và 1,5 điểm ưu tiên khu vực sau đó nhân 4 chia 3). Trong khi đó, nếu tính theo cách thông thường trước đây thì thí sinh đạt 29/40 trúng tuyển còn thí sinh đạt 25/40 vẫn trượt dù có 3,5 điểm ưu tiên (ở đây xác định điểm chuẩn là 29).
Đáng lưu ý là nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cách tính này sẽ phá vỡ quy chế tuyển sinh. Theo điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ thì mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Bây giờ điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đều tính theo phương thức nhân 4 chia 3 thì điều 33 của quy chế đã không còn đúng đối với các trường có môn thi chính hoặc ngành có môn thi chính (mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,33; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,66).
Bộ GD-ĐT đưa minh chứng việc không nhân hệ số thí sinh bị thiệt 1. Nghiên cứu tác động của nhân hệ số điểm môn chính khi không có tác động của điểm ưu tiên (coi như học sinh ở khu vực 3 không có ưu tiên gì). Xét 3 trường hợp: a) điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn; b) điểm môn chính thấp hơn điểm trung bình của 3 môn; c) điểm môn chính cao hơn điểm trung bình của 3 môn: a) Học sinh thi khối B có kết quả: toán 4, hóa 6, sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20 (4+6+10) và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là: 15x4/3=20. Như vậy dù quy định môn chính hay không thì học sinh vẫn đạt ở mức điểm xét tuyển tối thiểu mà trường chọn. b) Học sinh thi khối B có kết quả: toán 5, hóa 6, sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 19 (5+6+8) dưới mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20). c) Học sinh thi khối B có kết quả: toán 4, hóa 4, sinh 6. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (dưới điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20 (4+4+12) bằng mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20). Qua 3 thí dụ trên có thể thấy: nếu điểm môn chính bằng điểm trung bình 3 môn thì việc nhân hệ số môn chính không có tác động gì, nhưng nếu học sinh có kết quả môn chính cao hơn trung bình sẽ được lợi khi xét tuyển còn thấp hơn thì sẽ bị thiệt khi xét tuyển. Đây là ưu điểm của việc quy định môn chính (cho phép chọn được học sinh có năng lực ở môn chính). 2. Nghiên cứu tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên, khi không có tác động của việc nhân hệ số môn chính. Như phân tích ở trên để loại bỏ tác động của việc nhân hệ số môn chính, ta phải chọn ví dụ sao cho điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn. Học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo quy chế có kết quả: toán 5, hóa 3, sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+3+4+3 điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản. a) Nếu quy định sinh là môn chính, và không nhân hệ số cho điểm ưu tiên tổng điểm có xét hệ số môn chính là 5+3+8+3 điểm ưu tiên=19 và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là: 15x4/3=20. Như vậy nếu không nhân hệ số điểm môn chính thì học sinh sau khi nhân hệ số môn chính sẽ có kết quả dưới điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính. b) Nếu nhân hệ số cho điểm ưu tiên, điểm của học sinh sẽ là: 5+3+8+3x4/3=20 đúng bằng điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính. (Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT) |
Vũ Thơ
>> 231 ngành học được nhân hệ số môn thi chính
>> Công bố hơn 200 ngành học được nhân hệ số môn thi chính
>> Trường ĐH Sài Gòn nhân hệ số 2 môn thi chính
>> Bộ GD-ĐT công bố về cách tính điểm ưu tiên
>> Trường ĐH Văn Lang công bố điểm chuẩn
>> Điểm chuẩn Học viện Tài chính, Đại học hàng hải, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
>> Điểm chuẩn Trường CĐ Công thương TP.HCM
>> Công bố điểm chuẩn Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng
Bình luận (0)